Tổng cục Đường bộ: “Số phận” xe giường nằm cần được cân nhắc kỹ

Phóng viên TTXVN có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam chuyện cấm hay hạn chế hoạt động của xe khách giường nằm.
Tổng cục Đường bộ: “Số phận” xe giường nằm cần được cân nhắc kỹ ảnh 1(Ảnh minh họa: Trần Lê Lâm/TTXVN)

Trong những ngày vừa qua, câu chuyện cấm hay hạn chế hoạt động của xe khách giường nằm đang được dư luận quan tâm, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng xe giường nằm.

Để có thông tin đa chiều về vấn đề này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục Đường bộ Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Quyền cho rằng câu chuyện cấm hay hạn chế hoạt động của xe khách giường nằm ảnh hưởng không chỉ là góc độ kinh tế đối với doanh nghiệp. Điều quan trọng là ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư đối với sự ổn định của chính sách, pháp luật.


- Xin ông cho biết quan điểm của Tổng cục Đường bộ Việt Nam trong việc cấm hay hạn chế hoạt động của xe khách giường nằm tại một số đoạn tuyến?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Việc nghiên cứu các giải pháp quản lý nhằm đảm bảo an toàn giao thông đối với loại xe giường nằm, Tổng Cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu để đề xuất Bộ Giao thông Vận tải.

Chúng tôi xác định vấn đề cấm hay không cấm hoạt động của xe giường nằm đang trong quá trình nghiên cứu cần thực hiện rất kỹ lưỡng, đặc biệt liên quan đến vấn đề quản lý đang được Tổng cục Đường bộ nghiên cứu, cân nhắc chưa phải là đề xuất cuối cùng.

Có thể nói trước đó cũng có nhiều ý kiến đặt ra vấn đề có nên cấm hay hạn chế hoạt động của xe giường nằm, tuy nhiên sau vụ tai nạn xe khách trên Quốc lộ 4D tại huyện Bát Xát (Lào Cai), vấn đề này lại được đặt ra.

Vụ tai nạn xe khách giường nằm xảy ra tại Lào Cai vừa qua hiện cơ quan công an chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây tai nạn.

Tuy nhiên trên cơ sở tiếp nhận thông tin, bước đầu chúng tôi có thể đưa ra nhận xét như sau: Giả sử trong tình huống đó, nếu xe bị tai nạn không phải là xe giường nằm thì vẫn có thể xảy ra tai nạn bởi vì nhiều ý kiến của những người có kinh nghiệm lâu năm trong nghề nhận định rằng nguyên nhân tai nạn là do khi gặp xe ngược chiều đột ngột ở đoạn đường cong, hẹp, dốc, lái xe đã đánh lái đột ngột, không làm chủ được tốc độ nên xe lao xuống vực.

Để quản lý về an toàn giao thông có nhiều giải pháp, chúng ta phải sử dụng các giải pháp về kỹ thuật, về quản lý một cách tối đa còn giải pháp cấm hay hạn chế chỉ nên đặt vấn đề nếu như không còn các giải pháp khác.

Thông thường, trong quản lý nhà nước, khi cấm việc sử dụng hay kinh doanh vấn đề nào đó mà có liên quan đến đầu tư mà trước đó người dân, doanh nghiệp đã thực hiện hợp pháp thì phải có lộ trình để giảm thiểu thiệt hại cho ngưởi dân và doanh nghiệp.

Lộ trình cấm ở đây có thời hạn đủ dài để cơ bản doanh nghiệp, đơn vị vận tải đã đầu tư phương tiện có thể thu hồi vốn đầu tư nếu không sẽ có những tác động rất xấu đến sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và ngân hàng.

Bởi vì hầu như doanh nghiệp khi đầu tư mua xe kinh doanh cũng phải vay vốn ngân hàng. Tính trung bình giá xe này bình thường cũng khoảng từ 2-3 tỷ đồng/xe, xe cao cấp hơn có thể trên 5 tỷ đồng/xe.

Tuy nhiên, điều quan trọng là ảnh hưởng đến lòng tin của các nhà đầu tư tới chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước, bởi chính sách cần có sự ổn định nếu không thì chẳng nhà đầu tư, doanh nghiệp nào dám đầu tư nếu ở đó có chính sách liên tục thay đổi. Vấn đề đặt ra không chỉ là đồng tiền, bát gạo mà cái quan trọng hơn nữa là cần giữ được lòng tin của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

- Vậy vấn đề được đặt ra ở đây là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Trước tiên có thể khẳng định về mặt kỹ thuật khi xe khách giường nằm được nhập từ nước ngoài hoặc đóng mới ở trong nước phải phù hợp với với tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện tại Việt Nam và cũng phù hợp với điều kiện đường sá tại Việt Nam. Chúng ta đã ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật phương tiện tương thích với điều kiện cơ sở hạ tầng giao thông.

Điều kiện đường sá của Việt Nam hơn 30 năm đổi mới vừa qua đã được đầu tư, nâng cấp và tiếp tục được đầu tư hơn nữa. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông cũng đã đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cầu đường quốc tế và khu vực. Như vậy, trên các tuyến đường đã được đầu tư, nâng cấp theo tiêu chuẩn thì các loại phương tiện đã được đăng ký, kiểm định phải được liên thông bình thường.

Vấn đề cấm đối với xe khách giường nằm chỉ nên đặt ra để nghiên cứu đối với các tuyến đường có cấp hạng kỹ thuật thấp, các tuyến đường chưa vào cấp kỹ thuật.

Đối với những đoạn đường đã đầu tư nâng cấp nhưng có đoạn qua đèo dốc có địa hình phức tạp mà khi đầu tư xây dựng châm trước về yếu tố hình học như độ dốc, bán kính cong thì nên có biển báo hạn chế tốc độ đối với xe khách giường nằm.


- Có người đặt vấn đề thiết kế xe khách giường nằm hai tầng hiện nay thường làm trọng tâm của phương tiện nâng lên, điều này dễ gây lật xe, ông nhận xét về ý kiến này như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Quyền: Về mặt kỹ thuật các nhà sản xuất phải thiết kế các điều kiện về ổn định phương tiện nằm trong giới hạn cho phép. Chứ không thể trọng tâm của phương tiện lại vượt quá giới hạn cho phép.

Tôi khẳng định không cơ quan, đơn vị nào cho phép nhập và đăng ký, phương tiện có các thông số kỹ thuật nằm ngoài giới hạn cho phép. Có thể giường nằm hai tầng có trọng tâm cao hơn một chút so với xe khách thông thường (ghế ngồi) nhưng nó cũng phải nằm trong giới hạn cho phép. Các nhà sản xuất đều phải tính toán, thử nghiệm từ lý thuyết đến thực tế để đảm bảo an toàn phương tiện và an toàn giao thông.

Mặt khác, để đảm bảo an toàn giao thông cũng cần tăng cường quản lý tại các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải. Bản thân các đơn vị này phải bố trí lái xe có kinh nghiệm hơn tại những cung đường phức tạp, khó. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền, cảnh báo trên đường, nhất là khi gần đến các đoạn đèo dốc.

Nếu luồng tuyến mới thì cần bố trí lái xe đã quen đường đi kèm lái xe mới trong một số lần đủ để lái xe quen đường. Các doanh nghiệp phải ý thức được vấn đề đó để bảo vệ uy tín và tài sản của doanh nghiệp.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cảnh sát giao thông, thanh tra cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát trên đường, để kiểm soát phương tiện bởi các xe chạy trên đường đều có phù hiệu. Nếu chạy lệch tuyến thì phải nhắc nhở, xử lý ngay.

- Xin cảm ơn ông!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục