Tổng tài sản của BIDV tăng gần 85 lần sau 20 năm chuyển đổi

Sau 20 năm hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại, tổng tài sản của BIDV tăng gần 85 lần, từ 8.700 tỷ đồng lên 730.000 tỷ đồng.
Tổng tài sản của BIDV tăng gần 85 lần sau 20 năm chuyển đổi ảnh 1Quang cảnh tại hội thảo. (Nguồn: BIDV)

Ngày 1/8, tại Hà Nội, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức Hội thảo “BIDV-20 năm chuyển sang hoạt động ngân hàng thương mại - Phát triển và Hội nhập.”

Tại hội thảo, các đại biểu đã ghi nhận, 20 năm hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại, BIDV đã chuyển mình, tạo bước đột phá lớn trên mọi mặt hoạt động với những con số ấn tượng.

Từ năm 1995 đến tháng 6/2015, tổng tài sản tăng gần 85 lần, từ 8.700 tỷ đồng lên 730.000 tỷ đồng, trở thành một trong những ngân hàng có quy mô lớn nhất trong hệ thống; huy động vốn tăng hơn 337 lần, từ 1.700 tỷ đồng lên 574.000 tỷ đồng; tín dụng tăng hơn 100 lần, từ 5.300 tỷ đồng lên 535.000 tỷ đồng; vốn điều lệ tăng từ 247 tỷ đồng lên 31.481 tỷ đồng; lợi nhuận trước thuế tăng từ 221 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, mạng lưới được mở rộng từ 55 chi nhánh lên 181 chi nhánh với gần 1.000 phòng giao dịch/quỹ tiết kiệm. Tính đến cuối năm 2014, BIDV duy trì mức tăng trưởng khá, ổn định với ROE đạt 14,4%, ROA đạt 0,8%; hệ số an toàn vốn đạt trên 9%. Nộp thuế cho Nhà nước luỹ kế khoảng 12.000 tỷ đồng.

Hoạt động kinh doanh đối ngoại phát triển cả về quy mô và chất lượng các loại hình kinh doanh. Đến nay, BIDV đã có trên 2000 định chế tài chính trong nước, quốc tế với đa dạng dịch vụ kinh doanh: ngân hàng đại lý, thanh toán, tín dụng, đào tạo, chuyển giao công nghệ…

BIDV cũng đã thực hiện thành công nhiều dự án hợp tác với các đối tác nước ngoài trên thị trường Việt Nam; mở rộng phạm vi, lĩnh vực hoạt động ra thị trường Lào, Campuchia, Myanmar, Nga, Séc… Đặc biệt, BIDV đã và đang trở thành đối tác tin cậy, thực hiện hiệu quả thành công nhiều dự án hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế như WB, ADB, NIB…

Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị BIDV cho biết: “Năm 1995, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, BIDV đã chuyển đổi hoạt động theo mô hình ngân hàng thương mại. Đây là bước ngoặt lớn, thay đổi căn bản hoạt động của BIDV từ một ngân hàng chuyên phục vụ cấp phát vốn nhà nước sang một ngân hàng thương mại hoạt động theo nguyên tắc thị trường. Tại thời điểm lịch sử này, trên cơ sở những bước chuẩn bị, tập dượt của thời kỳ trước đó (giai đoạn 1990-1994), BIDV đã có sự chuyển đổi thành công để có được một BIDV như ngày hôm nay…”

Đánh giá về kết quả hoạt động của BIDV sau 20 năm chuyển đổi hoạt động sang ngân hàng thương mại, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhận định: “Hai nươi năm vừa qua, BIDV đã vượt qua rất nhiều khó khăn thách thức để phù hợp với cơ chế mới và đã khẳng định được vị trí của mình trong số các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn của nền kinh tế, BIDV luôn là ngân hàng hưởng ứng đầu tiên lời hiệu triệu, chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng tập trung vào lĩnh vực ưu tiên, triển khai chính sách lãi suất ưu đãi, đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.”

Phó Thống đốc khẳng định thêm, việc BIDV chuyển sang cơ chế thương mại là hết sức thành công. BIDV xứng đáng là một ngân hàng lớn, ngân hàng hàng đầu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Lãnh đạo BIDV cho biết, trong giai đoạn tới 2016-2020, BIDV phấn đấu là ngân hàng có thứ hạng cao trong khu vực và thế giới về tổng tài sản, vốn chủ sở hữu. Đến năm 2020 nằm trong tốp 25 ngân hàng lớn nhất Đông Nam Á, tốp 150 ngân hàng lớn nhất Châu Á Thái Bình Dương và tốp 400 ngân hàng lớn hàng đầu thế giới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục