Tổng thống Hy Lạp nỗ lực khai thông bế tắc chính trị

Tổng thống Hy Lạp triệu tập cuộc họp khẩn cấp với cả 3 chính đảng và một số đảng nhỏ khác để tìm cách khai thông bế tắc chính trị.
Sau ba lần ủy thác quyền thành lập chính phủ mới lần lượt cho các đảng giành nhiều phiếu nhất trong cuộc tổng tuyển cử vừa qua không mang lại kết quả, Tổng thống Hy Lạp Karolos Papoulias ngày 13/5 đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp với cả ba chính đảng này và một số đảng nhỏ khác để tìm cách khai thông bế tắc chính trị hiện nay.

Cuộc họp với những người đứng đầu đảng Dân chủ mới (ND) bảo thủ, đảng Liên hiệp cánh tả cấp tiến SYRIZA và đảng PASOK theo đường lối xã hội kéo dài 90 phút trước khi ông Papoulias có các cuộc thảo luận với những người đứng đầu các đảng nhỏ hơn.

Ông Fotis Kouvelis, người đứng đầu đảng Dân chủ cánh tả - được đánh giá có khả năng tham gia chính phủ liên hiệp với các đảng bảo thủ và xã hội - cho biết cho đến thời điểm hiện nay vẫn chưa có cơ hội thành lập chính phủ mới.

Đảng của ông này muốn bất kỳ chính phủ trong tương lai nào cũng phải hủy bỏ ngay lập tức các quy định về giảm lương tối thiểu và tạo điều kiện thuận lợi cho việc giãn nợ, đồng thời từ bỏ những điều kiện nhận cứu trợ không được lòng dân.

SYRIZA muốn Hy Lạp rút khỏi thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ mà nước này đã ký với Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) năm 2010.

Tổng thống Papoulias tiếp tục họp với lãnh đạo SYRIZA, ND, PASOK và Dân chủ cánh tả trong ngày 14/5 nhằm tìm cách tránh nguy cơ Hy Lạp một lần nữa phải tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn.

Nếu Hy Lạp không thành lập được chính phủ mới muộn nhất vào ngày 17/5 tới, thời điểm Quốc hội mới triệu tập phiên họp đầu tiên, thì nước này phải tổ chức tổng tuyển cử trước thời hạn vào tháng sau đó.

Hiến pháp Hy Lạp quy định trong trường hợp này, Tổng thống Papouliascó quyền chỉ định những người giữ chức chủ tịch Tòa án Tối cao, Hội đồng Nhà nước hoặc Tòa án Kiểm toán làm thủ tướng chính phủ tạm quyền để điều hành đất nước cho đến ngày tổng tuyển cử trước thời hạn.

Theo các nhà quan sát, bế tắc chính trị đang làm gia tăng sức ép đối với Hy Lạp trong bối cảnh các định chế cho vay quốc tế tuyên bố sẽ không giải ngân thêm bất kỳ khoản nào trong gói cứu trợ thứ hai trị giá 130 tỷ euro (168 tỷ USD) dành cho Hy Lạp nếu Athens không thực hiện những cải cách cơ cấu cần thiết giúp nền kinh tế phát triển đúng hướng.

Trong khi đó, báo chí địa phương đưa tin Hy Lạp chỉ có đủ tiền để trả lương và lương hưu cho đến cuối tháng Sáu tới./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục