Tổng thống Mỹ lên án việc vô hiệu hóa quyền phủ quyết JASTA

Ông Barack Obama cho rằng quyết định vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ đối với JASTA là một sai lầm, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và về cơ bản mang động cơ chính trị.
Tổng thống Mỹ lên án việc vô hiệu hóa quyền phủ quyết JASTA ảnh 1Tổng thống Barack Obama dự lễ tưởng niệm 15 năm vụ tấn công khủng bố 11/9 tại Lầu Năm góc ở Arlington, bang Virginia ngày 11/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngay sau khi Quốc hội Mỹ ngày 28/9 bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Mỹ đối với luật Công lý Chống bảo trợ khủng bố (JASTA), Tổng thống Barack Obama phản đối quyết định trên, cho rằng đây là một sai lầm, tạo ra một tiền lệ nguy hiểm và về cơ bản mang động cơ chính trị.

Trong một bức thư gửi tới lãnh đạo phê Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Mỹ, ông Harry Reid, Tổng thống Obama nhấn mạnh việc thực thi luật trên sẽ làm xói mòn các quy tắc về miễn trừ của một quốc gia.

Ông tuyên bố đồng cảm sâu sắc với gia đình các nạn nhân vụ 11/9/2001, nhưng JASTA sẽ “gây phương hại cho các lợi ích quốc gia của Mỹ” khi các công dân Mỹ phải đối mặt các vụ kiện dân sự liên quan tới các phái bộ quân sự ở nước ngoài.

Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng chỉ trích một số nghị sỹ thừa nhận rằng họ bỏ phiếu về dự luật này, song không hiểu nội dung văn bản này.

Trong khi đó, Thư ký báo chí của Nhà Trắng Josh Earnest cho rằng việc Thượng viện Mỹ bỏ phiếu vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Obama là "điều khó hiểu nhất" của cơ quan lập pháp này trong nhiều thập kỷ qua.

Ông cho rằng nhiều Thượng nghị sỹ sẽ phải hối hận và chịu trách nhiệm về hành động này.

Các phản ứng mạnh nói trên của Nhà Trắng được đưa ra sau khi trước đó cùng ngày, Quốc hội lưỡng viện Mỹ đã biểu quyết vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống Obama đối với JASTA, văn bản luật cho phép thân nhân và gia đình các nạn nhân thiệt mạng trong vụ khủng bố 11/9/2001 khởi kiện Saudi Arabia.

Đây được xem là một đòn giáng mạnh đối Tổng thống Obama và với Saudi Arabia, đồng minh lâu đời nhất của Mỹ ở thế giới Arab.

Nhiều khả năng quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và Saudi Arabia sẽ trở nên căng thẳng, tạo tiền lệ cho các nước khác ban hành điều luật tương tự.

Khi đó, quân đội Mỹ, nhân viên tình báo, ngoại giao và công vụ Mỹ có thể bị khởi kiện ở nước ngoài. Đồng thời, tài sản của Chính phủ Mỹ ở nước ngoài cũng có nguy cơ bị tịch thu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục