Tổng thống Mỹ muốn duy trì kiểm soát chặt hoạt động tài chính

Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc Quốc hội tiếp tục duy trì quản lý chặt hoạt động của thị trường tài chính.để tránh các vụ sụp đổ hệ thống ngân hàng.
Tổng thống Mỹ muốn duy trì kiểm soát chặt hoạt động tài chính ảnh 1Tổng thống Mỹ Barack Obama. (Nguồn: AP)

Với đánh giá các biện pháp cứng rắn được áp dụng sau cuộc khủng hoảng tài chính đã giúp củng cố hệ thống ngân hàng cũng như nền kinh tế Mỹ, Tổng thống Mỹ Barack Obama hối thúc Quốc hội tiếp tục duy trì quản lý chặt hoạt động của thị trường tài chính.

Phát biểu trong một cuộc họp của các nhà quản lý tài chính ngày 7/3, Tổng thống Obama nhắc lại về sự sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Bear Stearns, cho rằng sự kiện này là một dấu mốc quan trọng trong cuộc khủng hoảng kinh tế khi hàng triệu người Mỹ mất nhà, trợ cấp, việc làm, tiền tiết kiệm.

Theo ông, vụ việc nhắc nhở nguy cơ tái diễn nếu các cơ quan quản lý lơi là hoạt động của những tập đoàn tài chính tầm cỡ thế giới ở Phố Wall.

Khẳng định những biện pháp được áp dụng nhằm giải quyết tình hình đã phát huy tác dụng, Tổng thống Obama bác bỏ những ý kiến cho rằng chúng không hiệu quả.

Theo Tổng thống Mỹ, nhờ sự cải cách Phố Wall, hệ thống tài chính Mỹ an toàn và vững chắc hơn trước nguy cơ khủng hoảng.

Ông Obama cũng thừa nhận vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như an ninh mạng đang đẩy ngành tài chính đứng trước những mối đe dọa ngày càng tăng.

Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh thách thức lớn nhất đối với hệ thống tài chính Mỹ là việc các nhà lập pháp đang tìm cách hạn chế bộ luật Dodd-Frank với những điều luật quy định chặt chẽ về các hoạt động của ngân hàng.

Ông Obama nhận định nếu không có bộ luật chặt chẽ này, những tổ chức tài chính với tiềm lực mạnh và sự hậu thuẫn của lực lượng luật sư, cố vấn đông đảo sẽ chi phối sự quản lý của chính phủ.

Đạo luật Cải cách tài chính Phố Wall và bảo vệ người tiêu dùng Dod-Frank, thông qua tháng 6/2010, được coi là bước cải cách thị trường tài chính sâu rộng nhất được triển khai kể từ cuộc Đại Suy thoái những năm 30 của thế kỷ trước.

Đạo luật này bao quát và tác động tới hầu hết các vấn đề trọng yếu của thị trường tài chính nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, đảm bảo nguyên tắc thị trường và bảo vệ tốt hơn người tiêu dùng nói chung, người gửi tiền nói riêng.

Vụ sụp đổ năm 2008 của Bear Stearns, ngân hàng đầu tư lớn thứ 5 nước Mỹ thời điểm ấy, là một trong những dấu mốc về cuộc khủng hoảng tài chính bắt nguồn từ nước Mỹ trước khi lan ra toàn thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục