Obama ca ngợi sự “táo bạo” của J.F Kennedy

Tổng thống Mỹ Obama ca ngợi sự “táo bạo” của J.F Kennedy

Tổng thống Barack Obama đã ca ngợi di sản "táo bạo" và "chủ nghĩa lý tưởng đúng mực, chín chắn" của John F. Kennedy.
Tổng thống Mỹ Obama ca ngợi sự “táo bạo” của J.F Kennedy ảnh 1Ông Obama cùng Đệ nhất phu nhân Michelle Obama, cựu Tổng thống Bill Clinton và phu nhân Hillary Clinton đặt vòng hoa trước mộ cựu Tổng thống Kennedy. (Nguồn: AP)

Tổng thống Barack Obama đã ca ngợi di sản "táo bạo" và "chủ nghĩa lý tưởng đúng mực, chín chắn" của John F. Kennedy trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày xảy ra sự kiện ám sát Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ.

Ông Obama cùng cựu Tổng thống đảng Dân chủ Bill Clinton cũng viếng thăm mộ của Kennedy để tỏ lòng kính trọng trước nhà lãnh đạo bị sát hại ở tuổi 46, nhưng huyền thoại về ông vẫn còn cháy mãi trong lòng người Mỹ, trở thành biểu tượng tinh thần quốc gia và tiềm năng của dân tộc.

Tại một bữa tối tôn vinh người giành Huân chương tự do của Tổng thống, một giải thưởng do Kennedy tạo ra, ông Obama nói rằng ông Kennedy đã có thể tận hưởng một cuộc sống sung túc, thoải mái, nhưng cuối cùng ông lại chọn "một cuộc đời trong đấu trường."

"50 năm sau, John F. Kennedy đã đứng lên vì hậu thế, giống như đã làm trong cuộc đời mình, trẻ trung, dũng cảm và táo bạo," Tổng thống Obama nói.

Ông Obama mới chỉ hai tuổi khi cố Tổng thống Kennedy bị giết.

"Ông sống trong sự tưởng nhớ của chúng ta, ông rời xa chúng ta quá sớm," ông Obama nói tại Bảo tàng Lịch sử Mỹ thuộc Viện Smithsonian ở Washington.

"Trong chủ nghĩa lý tưởng của ông, chủ nghĩa lý tưởng hàm vuông (square-jawed idealism), nhắc nhở chúng ta rằng sức mạnh để thay đổi đất nước thuộc về mình," ông Obama nói thêm.

Ông Obama và ông Clinton, cùng Đệ nhất phu nhân Michelle Obama và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton, trước đó đã mang một vòng hoa với hai màu trắng và xanh dương lớn để trên mộ Tổng thống John F. Kennedy.

Họ tiếp tục đứng cùng nhau, với tay để lên tim, khi một người thổi kèn chơi bản 'Taps' của quân đội. Các thành viên đông đảo của gia tộc Kennedy đã cùng chứng kiến sự kiện kể trên.

Lễ viếng mộ của cựu Tổng thống Kennedy diễn ra sau khi ông Obama trao tặng cho cựu Tổng thống Bill Clinton và 15 nhân vật xuất sắc khác trong các lĩnh vực nghệ thuật, thể thao, khoa học và sáng tạo, tấm huân chương tự do, phần thưởng dân sự cao quý nhất nước.

Mộ của ông Kennedy và ngọn lửa vĩnh hằng nằm ở Nghĩa trang quốc gia Arlington, ngay bên ngoài Washington, nằm trên một ngọn đồi với khu vực quanh mộ được lát đá granite Cape Cod, lấy từ một mỏ đá gần nhà của gia tộc Kennedy ở Massachusetts.

Ngọn lửa vĩnh hằng được vợ ông Kennedy, bà Jacqueline Kennedy thắp sáng trong đám tang ông hồi năm 1963. Bà đã được mai táng cạnh chồng, sau khi qua đời vào năm 1994.

Khoảnh khắc tưởng nhớ trên diễn ra hai ngày trước lễ tưởng nhớ chính thức nửa thế kỷ vụ ám sát Kennedy, vốn đã gây ảnh hưởng tới cả thế giới.

Các lễ tưởng niệm đã giúp châm ngòi cho việc báo chí và dư luận Mỹ nhìn lại di sản dở dang của Kennedy, gia tộc gặp nhiều bi kịch của ông và giai đoạn những năm 1960, khi ảnh hưởng của ông lan tỏa trên thế giới.

Người thân gần gũi nhất còn sống của Kennedy là con gái Caroline, đã không tham dự buổi lễ diễn ra hôm 21/11. Bà vừa bắt đầu một chương mới trong đời mình với tư cách đại sứ Mỹ ở Tokyo.

Việc ông Obama và ông Clinton xuất hiện cùng nhau đã cho thấy tinh thần đoàn kết giữa hai gia đình chính trị đã từng có một cuộc đối đầu trong cuộc đua giành vé đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống hồi năm 2008.

Bà Hillary Clinton giờ là lựa chọn hàng đầu cho vị trí ứng cử viên của đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử Tổng thống 2016. Tuy nhiên bà chưa tiết lộ có chạy đua hay không.

Ông Clinton và Obama, đều đã có các hoạt động được cho là "bám lấy" di sản Kennedy trong khi chạy đua vào Nhà Trắng. Clinton nổi tiếng vì bức hình chụp ông gặp Kennedy tại một sự kiện tổ chức ở Vườn Hồng của Nhà Trắng vào tháng 7/1963. Ông nhớ lại rằng mình đã bắt đầu để mắt tới ghế tổng thống chỉ sau khi bắt tay Kennedy.

Ông Obama lại từng nhận ngọn đuốc Kennedy đại diện cho chủ nghĩa lý tưởng đảng Dân chủ trong một khoảnh khắc quan trọng của cuộc đua hồi năm 2008, khi em trai của ông Kennedy, cố Thượng nghị sỹ Edward Kennedy ủng hộ ông tại Đại học Washington.

Lee Harvey Oswald là kẻ duy nhất đã lên kế hoạch và ra tay ám sát Kennedy. Nhưng sau 50 năm kể từ thời khắc định mệnh đó, đã có vô số thuyết âm mưu hình thành, tập trung quanh việc có đúng Oswald là thủ phạm không, hay vụ ám sát nằm trong một âm mưu lớn hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục