Tổng thống Mỹ Obama gia hạn quyền duy trì trừng phạt Myanmar

Tổng thống Mỹ đã gia hạn thêm 1 năm quyền duy trì các biện pháp trừng phạt Myanmar, trong bối cảnh hàng nghìn người Hồi giáo Rohingya đang ồ ạt chạy trốn khỏi chế độ hà khắc của chính quyền.
Tổng thống Mỹ Obama gia hạn quyền duy trì trừng phạt Myanmar ảnh 1Người Hồi giáo Rohingya đang ồ ạt chạy trốn khỏi chế độ hà khắc của chính quyền. (Nguồn: EPA)

AP đưa tin, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã gia hạn thêm 1 năm quyền duy trì các biện pháp trừng phạt Myanmar, trong bối cảnh quốc tế đang quan ngại về tình cảnh khốn đốn của hàng nghìn người Hồi giáo Rohingya đang ồ ạt chạy trốn khỏi chế độ hà khắc của chính quyền bằng đường biển, làm bùng phát cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Đông Nam Á.

Nhà Trắng đã thông báo với Quốc hội Mỹ về việc gia hạn hôm 15/5, 5 ngày trước khi quyền này hết hiệu lực.

Theo Nhà Trắng, bất chấp những tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực cải cách, vẫn còn các mối lo ngại về tình trạng xung đột và vi phạm nhân quyền, đặc biệt tại những khu vực có người sắc tộc thiểu số và bang Rakhine.

Mặc dù động thái gia hạn trên đã được dự báo từ trước, nhưng nó diễn ra trong bối cảnh hàng nghìn người Rohingya không được công nhận là công dân đã chạy trốn khỏi tình trạng phân biệt đối xử như kiểu apartheid ở miền Tây Myanmar và được cho là đang mắc kẹt trên những chiếc thuyền bị bỏ rơi ở Biển Andaman do các hành động trấn áp những kẻ buôn người.

Trong một diễn biến liên quan, truyền thông Malaysia ngày 17/5 đưa tin Thủ tướng nước này Najib Razak đã khẳng định ASEAN cần có một giải pháp chung thông qua mạng lưới các nước thành viên ASEAN để giải quyết vấn đề người tị nạn Rohingya trước khi nó trở thành thảm họa nguy hiểm hơn đối với con người.

Trong tuyên bố trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Thủ tướng Najib cho rằng vấn đề người tị nạn Rohingya không chỉ là vấn đề của các nhà lãnh đạo ASEAN mà còn là mối quan tâm của các nhà lãnh đạo khu vực và quốc tế, trong đó có Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon và Thủ tướng Australia Tony Abbott.

Phát biểu với phóng viên nhân chuyến thăm làm việc tại thành phố Johor Baru, ngày 16/5, ông Najib nói rằng Malaysia tôn trọng các nguyên tắc của ASEAN, theo đó không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia ASEAN nào.

Tuy nhiên, khi một vấn đề nào đó đã lan rộng và ảnh hưởng đến sự lãnh đạo của các quốc gia ASEAN khác và có thể cả các nước bên ngoài ASEAN, thì cần phải tìm ra giải pháp thông qua diễn đàn ASEAN và sự hợp tác với các bên khác.

Najib cho biết TTK Ban Ki-moon đã gọi điện thoại cho ông vào sáng 16/5, bày tỏ mối quan ngại của tổ chức toàn cầu về vấn đề này.

Về phần mình, ông Najib nhấn mạnh đây không chỉ là vấn đề của ASEAN mà còn là vấn đề nhân đạo, vấn đề quốc tế và phải được thực hiện nghiêm túc ở tất cả các nước./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục