Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc đàm phán về Syria

Tổng thống Nga Putin cho rằng cuộc đàm phán về vấn đề Syria được tổ chức tại thủ đô Astana của Kazakhstan đã đặt nền móng cho các cuộc đàm phán về giải quyết cuộc khủng hoảng Syria tại Geneva.
Tổng thống Nga Putin nhấn mạnh ý nghĩa của cuộc đàm phán về Syria ảnh 1Quang cảnh vòng đàm phán hòa bình ở Syria diễn ra ở thủ đô Astana của Kazakhstan hồi tháng 1. (Nguồn: NPR)

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng cuộc đàm phán về vấn đề Syria được tổ chức tại thủ đô Astana của Kazakhstan đã đặt nền móng cho các cuộc đàm phán về giải quyết cuộc khủng hoảng Syria tại Geneva, Thụy Sĩ.

Người đứng đầu nhà nước Nga tuyên bố như vậy trong cuộc gặp Tổng thống nước chủ nhà Kazakhstan Nursultan Nazarbayev ngày 27/2.

Tổng thống Putin nhấn mạnh cuộc đàm phán về Syria diễn ra tại Astana đã thiết lập được cơ chế kiểm soát lệnh ngừng bắn tại quốc gia Trung Đông này. Theo ông, kết quả này đã tạo cơ hội nối lại cuộc đàm phán tại Geneva nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột kéo dài gần 6 năm qua ở Syria.

Cuộc đàm phán về Syria tại Astana có sự tham gia của đại diện Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran. Cuộc họp là sáng kiến của Tổng thống Nga Putin nhằm mở ra cơ hội để khuyến khích các thủ lĩnh phe đối lập tại Syria tham gia vào "tiến trình chính trị" tiến tới chấm dứt sự đổ máu, củng cố thỏa thuận ngừng bắn vốn rất mong manh tại quốc gia Trung Đông này.

Tại các cuộc hòa đàm này, ba nước bảo trợ Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí về cơ chế kiểm soát thực thi lệnh ngừng bắn tại Syria. Ba nước cũng đồng ý thành lập một cơ chế ba bên để giám sát và đảm bảo việc thực thi đầy đủ lệnh ngừng bắn, ngăn chặn mọi hành động khiêu khích và xác định mọi phương thức thực hiện lệnh ngừng bắn ở Syria.

Cuộc nội chiến kéo dài gần 6 năm qua tại Syria đã cướp đi sinh mạng khoảng 300.000 người và khiến hàng triệu người Syria phải rời bỏ đất nước, gây ra cuộc khủng hoảng người di cư tồi tệ tại châu Âu.

Cho đến nay, các cuộc đàm phán tại Geneva tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng ở Syria do Liên hợp quốc bảo trợ vẫn chưa đem lại kết quả. Vòng đàm phán mới nhất được nối lại hôm 23/2 vừa qua vẫn chưa có bước đột phá.

Vấn đề chuyển tiếp chính trị và yêu sách của phe đối lập đòi Tổng thống Syria Bashar al-Assad phải từ bỏ quyền lực luôn là vấn đề gây trở ngại lớn nhất trong các vòng đàm phán mới đây.

Chính phủ Syria khẳng định rằng số phận của Tổng thống Assad không thể được đưa ra thảo luận trong các vòng đàm phán.

Kể từ tháng 4/2016, vị thế của phe đối lập giảm đáng kể giữa lúc các lực lượng Chính phủ Syria đã giành quyền kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ, chiến thắng trên nhiều mặt trận quan trọng, đặc biệt là tại tỉnh Aleppo ở miền Bắc Syria./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục