Tổng thống Pháp đề cao vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ đối với EU

Tổng thống Pháp mong muốn tránh một kết cục tuyệt giao trong quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ bởi Ankara hiện là một đối tác quan trong trong nhiều cuộc khủng hoảng mà châu Âu đang cùng phải đối mặt.
Tổng thống Pháp đề cao vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ đối với EU ảnh 1Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: EPA)

Liên minh châu Âu (EU) phải tránh mọi sự đổ vỡ trong quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này là một đối tác "cốt yếu" của khối trong vấn đề di cư và chống khủng bố.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra tuyên bố trên trong một cuộc phỏng vấn trên báo Kathimerini, số ra ngày 7/9 - thời điểm nhà lãnh đạo Pháp bắt đầu chuyến thăm Hy Lạp trong 2 ngày 7-8/9.

Trong bài phỏng vấn trên, nhà lãnh đạo Pháp bày tỏ mong muốn tránh một kết cục tuyệt giao trong quan hệ giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ bởi Ankara hiện là một đối tác quan trong trong nhiều cuộc khủng hoảng mà các nước châu Âu đang cùng phải đối mặt, đặc biệt là cuộc khủng hoảng người di cư và mối đe dọa khủng bố. Tuy nhiên, Tổng thống Macron thừa nhận trong vài tháng qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã "tự tách mình" khỏi EU.

Trước đó một ngày, giới chức EU công bố đánh giá thỏa thuận về người di cư giữa Ankara và Brussels cho biết thỏa thuận này tiếp tục vận hành tốt và có kết quả.

Cụ thể, số người nhập cư Hy Lạp từ Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm 97% kể từ khi ký kết thỏa thuận vào tháng 3/2016, và hơn 8.800 người Syria tại Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã có nơi ở tại châu Âu.

Cùng quan điểm nêu trên của nhà lãnh đạo Pháp, Ngoại trưởng Phần Lan Timo Soini ngày 7/9 nêu rõ ông phản đối việc chấm dứt các cuộc đàm phán về quy chế thành viên EU với Thổ Nhĩ Kỳ.

Ông Soini thừa nhận có những vấn đề về nhân quyền ở Thổ Nhĩ Kỳ, song đối thoại vẫn là biện pháp hữu hiệu, đồng thời khẳng định Phần Lan không ủng hộ việc chấm dứt các cuộc đàm phán với Ankara.

[Căng thẳng tiếp tục leo thang trong quan hệ Đức-Thổ Nhĩ Kỳ]

Trong khi đó, Ngoại trưởng Aven Mikser của Estonia - quốc gia đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU, nhận định ông không cho rằng EU sẽ có bất kỳ quyết định chính thức nào về vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ trong năm nay.

Theo nhà ngoại giao Estonia, mọi quyết định liên quan sẽ phải đợi đánh giá của Ủy ban châu Âu về việc Ankara đã đáp ứng các tiêu chí thành viên EU hay chưa.

Theo phóng viên TTXVN tại Đức, các tuyên bố trên dường như đi ngược lập trường của Đức khi mới đây, Thủ tướng Angela Merkel tuyên bố nên chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời cho biết bà sẽ tìm kiếm một lập trường chung của EU về vấn đề này với lãnh đạo các nước khác trong khối.

Trong cuộc tranh luận trực tiếp trên truyền hình vừa qua với ứng cử viên thủ tướng của đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) Martin Schulz, Thủ tướng Merkel tuyên bố nên chấm dứt các cuộc đàm phán gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bài phát biểu trước Quốc hội Đức, Thủ tướng Merkel cũng cho biết bà sẽ thảo luận với các đối tác EU trong cuộc họp thượng định của khối vào tháng 10 tới liệu có nên "tạm thời chấm dứt" các cuộc đàm phán gia nhập EU của Ankara hay không.

Phản ứng về tuyên bố của nhà lãnh đạo Đức, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyp Erdogan đã lên tiếng chỉ trích phát biểu của bà Merkel, cho rằng những tuyên bố chống Ankara của giới chức Đức trong thời gian gần đây mang tính "phát-xít." Tổng thống Erdogan cũng yêu cầu EU đưa ra quyết định rõ ràng "ngay lập tức" cho tiến trình này.

Đức và Thổ Nhĩ Kỳ vốn là 2 quốc gia đồng minh gần gũi trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, mối quan hệ này bắt đầu rạn nứt kể từ khi Berlin chỉ trích mạnh mẽ Ankara về cách nước này giải quyết vụ đảo chính bất thành hồi năm ngoái. Căng thẳng giữa hai nước tiếp tục leo thang khi cả hai bên liên tục có những phát biểu công kích lẫn nhau.

Ngày 18/8, Tổng thống Erdogan thậm chí kêu gọi toàn bộ người gốc Thổ tại Đức (khoảng 3 triệu người) không bỏ phiếu cho Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của bà Merkel, đảng SPD hay đảng Xanh trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức dự kiến diễn ra vào 24/9 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục