Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ông Macron

Ngay sau khi vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp vừa khép lại, đương kim Tổng thống Hollande trong một thông điệp trên truyền hình đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên trung dung Emanuel Macron.
Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ông Macron ảnh 1Đương kim Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi ủng hộ ông Macron. (Nguồn: Getty Images)

Ngay sau khi vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp vừa khép lại, ngày 24/4, đương kim Tổng thống Francois Hollande trong một thông điệp trên truyền hình đã kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ứng cử viên trung dung Emanuel Macron.

Theo ông Hollande, nước Pháp sẽ rơi vào nguy cơ "trở nên cô lập và bị phá vỡ khỏi Liên minh châu Âu (EU)" nếu ứng cử viên cực hữu Marine Le Pen trở thành Tổng thống.

Trong khi đó, hai ứng cử viên có số phiếu cao nhất vòng 1 là ông Emanuel Macron và thủ lĩnh đảng cực hữu Mặt trận dân tộc (FN) Marine Le Pen nhanh chóng bắt đầu các chiến dịch vận động tranh cử chuẩn bị cho vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp, dự kiến diễn ra vào ngày 7/5 tới.

Phát biểu trước hàng nghìn người ủng hộ tại thủ đô Paris đêm 23/4, ứng cử viên Macron khẳng định mục tiêu của ông là đoàn kết "những người yêu nước" chống lại "mối đe dọa của dân tộc chủ nghĩa."

Trong khi đó, phát biểu trước báo giới tại xã Henin-Beaumont, tỉnh Pas-de-Calais, miền Bắc nước Pháp, ngày 24/4, ứng cử viên Le Pen thể hiện mục tiêu muốn hướng cử tri đến những vấn đề trọng yếu như chống khủng bố mà bà thẳng thừng cho rằng đây là yếu điểm của đối thủ Macron.

Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ông Macron ảnh 2Ứng cử viên Macron. (Nguồn: Bloomberg)

Trong 2 năm qua, Pháp liên tục hứng chịu các vụ tấn công khủng bố và ít nhất 230 người đã thiệt mạng trong các vụ khủng bố này. Chỉ 3 ngày trước khi diễn ra vòng 1 bầu cử tổng thống, một cảnh sát cũng đã bị bắn chết và 2 người khách bị thương trong một vụ tấn công xảy ra tại trung tâm thủ đô Paris mà tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng nhận là thủ phạm.

Mặc dù vậy, kết quả các cuộc thăm dò liên tục cho thấy mối quan tâm hàng đầu cử cử tri xoay quanh vấn đề kinh tế và mức độ tin cậy của các ứng cử viên.

Trên thực tế, trong các chiến dịch vận động tranh cử liên quan đến chủ đề chống khủng bố, ứng cử viên Macron có chủ trương tuyển dụng thêm 10.000 nhân viên cảnh sát, xây dựng 15.000 nhà giam mới. Ông Macron chỉ trích đối thủ Le Pen có ít kinh nghiệm trong cơ quan chính phủ so với ông.

[Truyền thông đánh giá cơ hội của 2 ứng cử viên Macron và Le Pen]

Trong vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp ngày 23/4, ông Emanuel Macron và bà Le Pen đã giành được số phiếu ủng hộ cao nhất so với 9 ứng cử viên còn lại, lần lượt là 23,74% và 21,53%.

Hai ứng cử viên Macron và Le Pen sẽ có 2 tuần để cho các cử tri thấy ai là người chuẩn bị tốt nhất cho vị trí tổng thống Pháp. Theo các kết quả thăm dò mới nhất công bố ngày 24/4, ông Macron sẽ giành chiến thắng trước bà Le Pen trong vòng 2 bầu cử tổng thống Pháp sắp tới với số phiếu ủng hộ cách biệt khoảng từ 22-26%.

Tổng thống Pháp Hollande kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ông Macron ảnh 3Ứng cử viên Le Pen. (Nguồn: Reuters)

Truyền thông châu Âu và Mỹ nhận định việc ông Macron dẫn đầu trong cuộc bỏ phiếu vòng một là kết quả đáng mừng cho EU, song cũng không ngừng cảnh báo về khả năng lội ngược dòng của bà Le Pen, người theo chủ nghĩa hoài nghi về EU, có tư tưởng bài ngoại và chống nhập cư.

Nét chính trong cương lĩnh tranh cử của ông Macron, vị cựu bộ trưởng kinh tế, là nỗ lực giảm bội chi ngân sách và nợ công, với mục tiêu tiết kiệm 60 tỷ euro trong nhiệm kỳ 5 năm nhờ giảm đội ngũ viên chức nhà nước và cắt bớt ngân sách cho các chính quyền cấp vùng; bãi bỏ quy định 35 giờ làm việc một tuần với giới trẻ; giảm thuế doanh nghiệp, giữ nguyên mức thuế cho tư nhân để khuyến khích tiêu thụ; đầu tư vào các công nghệ của tương lai như tự động hóa, kỹ thuật số.

Về an ninh, ông Macron chủ trương tuyển dụng thêm 10.000 cảnh sát và hiến binh, tăng ngân sách quốc phòng.

Chính trị gia trẻ tuổi này mong muốn đẩy mạnh hội nhập chính trị, kinh tế và tài chính trong EU và Eurozone; duy trì hiệp định tự do đi lại trong khối Shengen, đồng thời tăng cường kiểm soát biên giới ngoài EU. Ông Macron cũng muốn hợp tác với Đức để xây dựng một EU hoàn toàn mới.

Trong khi đó, bà Le Pen có chủ trương đưa nước Pháp ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và chặn đứng dòng người nhập cư. Tuy có thể không đóng sập cửa hoàn toàn, nhưng bà sẽ hạn chế lượng người nhập cảnh hợp pháp vào Pháp ở mức 10.000 lượt người mỗi năm, tức là chỉ bằng 1/20 mức hiện nay.

Bà cũng khẳng định sẽ thực hiện nhiều đề xuất gây sốc trong lĩnh vực kinh tế, trong đó có kế hoạch tổ chức một hội nghị thượng đỉnh EU nhằm đàm phán lại các hiệp ước châu Âu và tìm kiếm các không gian hành động, đặc biệt liên quan tới đồng euro; khôi phục tuổi nghỉ hưu ở 60 tuổi; ưu tiên cấp nhà ở xã hội cho người dân Pháp, duy trì mức thuế 3% đánh vào hàng hóa nhập khẩu, giảm thuế cho tầng lớp trung lưu, doanh nghiệp vừa và nhỏ.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục