Tổng thống Uganda thảo luận với Đại sứ Mỹ tại LHQ về Nam Sudan

Trong cuộc gặp Đại sứ Mỹ Nikki Haley bên lề khóa họp 72 Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Uganda Yoweri Museveni khẳng định ông đang nỗ lực giúp chấm dứt giao tranh tại nước láng giềng Nam Sudan
Tổng thống Uganda thảo luận với Đại sứ Mỹ tại LHQ về Nam Sudan ảnh 1Tổng thống Uganda Yoweri Museveni. (Nguồn: AP)

Trong cuộc gặp Đại sứ Mỹ Nikki Haley bên lề khóa họp 72 Đại Hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra ở New York (Mỹ), Tổng thống Uganda Yoweri Museveni khẳng định ông đang nỗ lực giúp chấm dứt giao tranh tại nước láng giềng Nam Sudan - cuộc chiến khiến hơn 1,6 triệu người chạy nạn khỏi nước này.

Phủ Tổng thống Uganda ngày 19/9 ra thông báo nêu rõ, với tư cách trung gian hòa giải, Tổng thống Museveni đang nỗ lực hợp nhất các phe phái đối địch của Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan (SPLM).

Nhà lãnh đạo Uganda cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc đoàn kết các phe phái khác nhau của SPLM, và ông đang đóng vai trò trung gian đàm phán để hợp nhất SPLM, trong khi Thủ tướng Ethiopia Hailemariam Desalegn đóng vai trò hòa giải để hợp nhất các phe phái khác.

Theo số liệu của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, kể từ khi giao tranh nổ ra tại Nam Sudan tháng 12/2013, Uganda đã tiếp nhận hơn 1 triệu người tị nạn tới từ quốc gia láng giềng này.

[Đức kêu gọi Nam Sudan chấm dứt xung đột, giải quyết bằng hòa bình]

Do đó, đất nước Đông Phi kêu gọi sự hỗ trợ lớn hơn từ cộng đồng quốc tế để có thể cung cấp lương thực cho số lượng người tị nạn ngày càng tăng tới từ Nam Sudan. ​

Cùng ngày, các cuộc giao tranh không ngừng tiếp diễn giữa lực lượng chính phủ và phiến quân đã khiến ít nhất 25 người thiệt mạng tại thị trấn Nhialdiu Payam, miền Bắc Nam Sudan, trong đó có 3 phụ nữ và 6 cảnh sát.

Cuộc xung đột kéo dài trong hơn 3 năm qua tại Nam Sudan gây tổn hại nặng nề cho người dân nước này. Thỏa thuận hòa bình được ký kết tại thủ đô Addis Ababa của Ethiopia vào năm 2015 dưới sức ép của cộng đồng quốc tế đã bị phá vỡ với việc các vụ giao tranh lại nổ ra giữa Chính phủ Nam Sudan và các lực lượng đối lập tại thủ đô Juba hồi tháng 7/2016.

Từ đó đến nay, cuộc xung đột lan rộng ra nhiều vùng tại nước này, khiến ít nhất 3,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa, đồng thời dẫn tới tình trạng chia rẽ và bạo lực sắc tộc, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục