Total tham gia phát triển dự án khí đốt khổng lồ South Pars ở Iran

Bộ Dầu mỏ Iran ngày 2/7 cho biết tập đoàn năng lượng Total của Pháp dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận dự án khí đốt khổng lồ, trị giá 4,8 tỷ USD để phát triển một mỏ khí đốt ngoài khơi Iran.
Total tham gia phát triển dự án khí đốt khổng lồ South Pars ở Iran ảnh 1(Nguồn: spsc.co.ir)

Bộ Dầu mỏ Iran ngày 2/7 cho biết tập đoàn năng lượng Total của Pháp dự kiến sẽ ký kết thỏa thuận trị giá 4,8 tỷ USD để phát triển một mỏ khí đốt ngoài khơi Iran.

Đây được đánh giá là thương vụ hợp tác quốc tế lớn nhất ở Iran kể từ khi các lệnh trừng phạt quốc tế chống Tehran được nới lỏng hồi đầu năm 2016.

Một phát ngôn viên của Bộ trên xác nhận thỏa thuận hợp tác quốc tế phát triển giai đoạn 11 của dự án South Pars sẽ được ký trong ngày 3/7, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Bộ Dầu mỏ Iran, các lãnh đạo của Total, đại diện Tập đoàn dầu mỏ quốc gia Trung Quốc (CNPC) và công ty Petropars của Iran.

[Iran thúc đẩy việc ký kết thỏa thuận khai thác khí đốt với Total]

Tháng 11/2016, Total đã ký một thỏa thuận sơ bộ với Iran để tham gia phát triển giai doạn 11 dự án South Pars cùng với CNPC và Petropars.

Tập đoàn của Pháp sẽ nắm giữ 50,1% cổ phần tại dự án phát triển mỏ khí trị giá 4,8 tỷ USD nói trên, trong khi CNPC sở hữu 30% và Petropars năm giữ 19,9%.

Ban đầu Total dự định ký thỏa thuận vào đầu năm 2017 nhưng Giám đốc điều hành Patrick Pouyanne hồi tháng 2/2017 nói rằng tập đoàn sẽ chờ xem liệu chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump có áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran hay không.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống, ông Trump đã đe dọa hủy thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà Iran ký kết với 6 cường quốc thế giới hồi tháng 7/2015.

Thỏa thuận hạt nhân đã có hiệu lực từ tháng 1/2016, mở đường cho việc nới lỏng các lệnh trừng phạt chống lại quốc gia Trung Đông này, đổi lại Tehran hạn chế chương trình phát triển hạt nhân của mình.

Tuy nhiên, tân Tổng thống Mỹ đã có lập trường mềm mỏng hơn kể từ khi nhậm chức, với việc chính quyền Washington tiếp tục bãi bỏ một số lệnh trừng phạt như cam kết theo thỏa thuận hạt nhân Iran.

Mặc dù vậy, Mỹ đã áp dụng một số biện pháp mới nhằm trả đũa chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran cũng như các hoạt động của Tehran trong khu vực.

Với thời hạn 20 năm, giai đoạn 11 của dự án South Pars sẽ đạt sản lượng khai thác 50 triệu m3 khí đốt/ngày.

Thỏa thuận này đánh dấu bước đột phá lớn của Bộ Dầu mỏ Iran trong nỗ lực thu hút đầu tư cũng như công nghệ của phương Tây nhằm cải thiện hạ tầng năng lượng, vốn đã xuống cấp và lạc hậu sau nhiều năm không được đầu tư do bị trừng phạt kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục