TP. HCM nâng cao tính chuyên nghiệp trong quảng bá xúc tiến du lịch

TP. HCM sẽ tiếp tục chủ động xây dựng và tổ chức chuỗi sự kiện du lịch kết hợp với văn hóa dân tộc và thể thao, đồng thời thực hiện xã hội hóa để tập hợp các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch bền vững, đậm đà bản sắc dân tộc.
TP. HCM nâng cao tính chuyên nghiệp trong quảng bá xúc tiến du lịch ảnh 1Khác nước ngoài tìm hiểu các tour du lịch trong nước tại gian hàng của Saigontourist tại Hội chợ ITE-HCMC. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Trong những năm gần đây, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đã có những dấu ấn quan trọng, đóng góp hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu của kinh tế thành phố với tỷ trọng 11%/GDP của Thành phố, góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch cả nước.

Để đạt được những kết quả trên, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai có hiệu quả các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, trong đó nổi bật là thường niên tổ chức sự kiện Hội chợ du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE-HCMC).

Chuyên nghiệp trong quảng bá xúc tiến du lịch

Để duy trì vai trò đầu tàu của ngành "công nghiệp không khói" của khu vực và cả nước, ngành du lịch Thành phố đã đặc biệt quan tâm, chú trọng việc tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật của ngành du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.

Vì vậy, các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch ngày càng được Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư, tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp, hiệu quả, từng bước khẳng định thương hiệu du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, Việt Nam nói chung.

Từ yêu cầu đó, Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh (ITE-HCMC) do Thành phố phối hợp với các cơ quan trung ương tổ chức đã và đang khẳng định được vị thế và quy mô tầm vóc quốc tế.

Ngay từ lần đầu tiên tổ chức năm 2005, Hội chợ Du lịch ITE đã chủ động phát triển theo chủ đề “Ba quốc gia - Một điểm đến." Từ năm 2010 là “Bốn quốc gia - Một điểm đến” và đến năm 2013 là “Năm quốc gia - Một điểm đến” nhằm liên kết, thúc đẩy sự hợp tác phát triển du lịch giữa Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan.

Với việc định hướng cách thức tổ chức hội chợ một cách chuyên nghiệp theo nhu cầu và tình hình của doanh nghiệp tham gia sự kiện, nhất là mô hình kết hợp giữa chương trình dành cho khách thương mại và dành cho công chúng, Hội chợ ITE đã tạo cơ hội thuận lợi cho các cơ quan xúc tiến du lịch các địa phương, doanh nghiệp và các nhà cung cấp dịch vụ liên quan đến lĩnh vực du lịch tìm kiếm đối tác quốc tế; giới thiệu các sản phẩm du lịch và mở rộng cơ hội hợp tác kinh doanh đến các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm và tiềm năng.

Vì vậy, qua 10 năm, số lượng các đơn vị tham gia gian hàng, khách tham quan, các sự kiện tổ chức trong khuôn khổ hội chợ ngày càng tăng. Năm 2005 có 80 đơn vị tham gia, đến năm 2014 là 320 đơn vị, tăng gấp bốn lần; các cuộc gặp gỡ, đàm phán giữa người mua và người bán cũng tăng qua các năm, từ 1.000 lượt vào năm 2005 lên đến hơn 3.000 lượt năm 2014.

Ghi nhận những tác động tích cực của Hội chợ ITE đối với ngành du lịch Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hồ Anh Tuấn đánh giá, việc gia tăng về số lượng đơn vị tham gia, số gian hàng, đàm phán giữa người mua và người bán đã thể hiện được quy mô, tầm vóc, tính chuyên nghiệp của tổ chức Hội chợ ITE. Hội chợ ITE đã trở thành sự kiện du lịch quốc gia, hướng tới là hội chợ du lịch quốc tế mang tầm khu vực, góp phần nâng cao hình ảnh điểm đến du lịch Việt Nam trên trường quốc tế; đồng thời qua Hội chợ ITE cũng đã tăng cường hợp tác, phát triển chiến lược trên tinh thần hữu nghị, vì cộng đồng ASEAN đoàn kết, hòa bình, năng động, sáng tạo và bền vững.

Phát triển du lịch bền vững, đậm đà bản sắc dân tộc

Với những kết quả đạt được trong 10 năm qua, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh, phát huy nhằm xây dựng Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh ITE-HCMC trở thành một sự kiện du lịch quốc gia thường niên, tiếp tục khẳng định là Hội chợ thương mại du lịch quốc tế hàng đầu của khu vực tiểu vùng Mekong với khẩu hiệu “Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam - Năm quốc gia - Một điểm đến."

Theo ông Lã Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2015-2020, Hội chợ ITE sẽ huy động sự tham gia chủ động, có tính kế hoạch của các địa phương trên cả nước, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện tiếp cận, trao đổi, ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với các thị trường khách du lịch trọng điểm và tiềm năng.

Với vai trò là trung tâm kinh tế năng động, điểm trung chuyển kết nối cho khu vực tiểu vùng sông Mekong, ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cũng sẽ thúc đẩy du lịch nội vùng hạ nguồn Mekong thông qua việc quảng bá, tuyên truyền về các điểm du lịch, dịch vụ, các hình thức khuyến mại của năm quốc gia, nhằm xây dựng sự kiện trở thành ngày hội của người tiêu dùng trong khu vực.

Theo kế hoạch, vào ngày 10-12/9 tới đây, sự kiện Hội chợ Du lịch quốc tế ITE-HCMC sẽ tiếp tục được tổ chức, đánh dấu 10 năm hình thành và phát triển. Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết sự phát triển của ngành du lịch thành phố cần hướng đến sự phát triển bền vững và mang thương hiệu bản sắc riêng, đồng thời gắn liền với văn hóa các dân tộc Việt Nam. Hội chợ ITE năm 2015 phấn đấu tăng quy mô lên từ 20-30% hàng năm, thu hút từ 200-350 người mua quốc tế, 100 người mua tiểu vùng, 15 báo chí quốc tế và 25.000 khách tham quan…

Ông Lã Quốc Khánh cho biết, là trung tâm du lịch lớn nhất Việt Nam, Thành phố sẽ chịu ảnh hưởng rõ nhất của xu hướng toàn cầu hóa trong lĩnh vực du lịch. Vì vậy, để có thể chủ động đón đầu các cơ hội cũng như thách thức đặt ra từ xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, Thành phố sẽ tiếp tục chủ động xây dựng và tổ chức chuỗi sự kiện du lịch kết hợp với văn hóa dân tộc và thể thao, đồng thời thực hiện xã hội hóa để tập hợp các nguồn lực đầu tư cho phát triển du lịch bền vững, đậm đà bản sắc dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục