TP Hồ Chí Minh bàn biện pháp bình ổn giá thực phẩm

Ngoài nguyên nhân giá tăng do đầu vào tăng, việc cung cầu chưa hợp lý là nguyên nhân khiến giá thịt, đặc biệt là thịt lợn tăng vọt.
Trong bối cảnh giá thịt lợn và nhiều loại thực phẩm vẫn đang ở mức cao, ảnh hưởng lớn đến từng bữa ăn của người dân, ngày 2/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn triệu tập cuộc họp với các chủ trang trại, doanh nghiệp ngành chăn nuôi, thức ăn chăn nuôi phía Nam để bàn biện pháp bình ổn giá sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là thịt lợn những tháng cuối năm.

Hệ quả của mất cân đối cung-cầu

Phát biểu tại cuộc họp, nhiều chủ doanh nghiệp chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi đều đánh giá, ngoài nguyên nhân giá tăng do đầu vào tăng, việc cung cầu chưa hợp lý là nguyên nhân quan trọng khiến giá thịt, đặc biệt là thịt lợn tăng vọt trong thời gian qua.

Theo Cục Chăn nuôi, giá sản phẩm chăn nuôi tăng cao và tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm nay là do thiếu hụt nguồn cung thịt lợn tại một số thời điểm và một số vùng, tạo ra sự khan hiếm cục bộ và gây áp lực tăng giá. Bên cạnh đó, trong năm 2010 và đầu năm nay, do dịch bệnh tai xanh xảy ra trên diện rộng khiến đàn lợn nái và lợn thịt giảm (trong đó giảm nhiều nhất là đàn lợn nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình, giảm 10-30%) so với cùng kỳ năm ngoái nên không đủ cung cấp cho thị trường vào các tháng Sáu và Bảy vừa qua.

Đặc biệt, chí phí đầu vào thời gian qua tăng mạnh như giá ngoại tệ mạnh, giá xăng dầu… trên thị trường tăng cao làm cho giá đầu vào chăn nuôi cũng tăng cao (giá con giống, thức ăn, công lao động, thuốc thú y...), dẫn đến giá thành sản xuất tăng cao, tạo mặt bằng giá mới.

Trong khi đó, khâu lưu thông phân phối sản phẩm chăn nuôi còn nhiều bất cập, phần lớn giá đầu ra sản phẩm chăn nuôi do thương lái quyết định, dẫn đến sự chênh lệch lớn về giá thu mua tại chuồng và giá bán đến người tiêu dùng và giá giữa các vùng miền cũng khác biệt lớn.

Chỉ ưu tiên… chăn nuôi nhỏ lẻ

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Hồng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thức ăn chăn nuôi Proconco, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 80% đàn gia súc của cả nước nên bị dịch bệnh tác động mạnh, đã ảnh hưởng tới cung cầu. thức ăn chăn nuôi có lúc chiếm tới 70% giá thành sản phẩm, trong 6 tháng đầu năm nay có tới 7 lần tăng giá thức ăn chăn nuôi do phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài trong khi lẽ ra các sản phẩm đó có thể sản xuất trong nước, điều này dẫn đến sự phụ thuộc vào nước ngoài.

Bà Hồng kiến nghị, hiện nay các trang trại chăn nuôi đều hướng tới chăn nuôi tập trung nhưng phải có chính sách khuyến khích cụ thể, hiện ở Việt Nam trang trại chăn nuôi tập trung mới chỉ chiếm khoảng 7% tổng lượng đàn, một tỷ lệ quá thấp. Riêng ở Đồng Nai đã giao cho công ty khoảng 1.000ha xây dựng vùng chăn nuôi nhưng vướng nhiều cơ chế, khi hệ thống dân cư đi tới đâu, đuổi trang trại tới đó…

Ông Châu Nhật Trung, Chủ doanh nghiệp Huỳnh Gia Huynh Đệ cũng khẳng định rằng Nhà nước nên có chính sách khuyến khích đầu tư sản xuất an toàn, tập trung. Khi các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, vài chục con gà, lợn thì được Nhà nước hỗ trợ từ vốn, vắc xin… còn hầu hết các trang trại chăn nuôi tập trung hiện nay phải "tự bơi." Với sự bất hợp lý này, cộng với sự rủi ro lớn trong quá trình chăn nuôi, chỉ những người am hiểu mới dám đầu tư vào, vô hình chung không thể khuyến khích được chăn nuôi tập trung phát triển.

Ông Nguyễn Chí Công, chủ trại chăn nuôi lợn lớn Đồng Nai bức xúc cho rằng giá thức ăn lên khi nguyên liệu lên, nhưng khi xuống chưa có nhà máy nào xuống khiến người chăn nuôi bức xúc. Bên cạnh đó, ở vùng Đông Nam Bộ, trang trại nuôi ngay trong rừng cao su bởi ở đó đã có sẵn hạ tầng giao thông, xa khu dân cư. Đặc biệt, Nhà nước có các quỹ bình ổn giá nhằm ổn định thị trường nhưng thường chỉ dành cho các doanh nghiệp thương mại, trong khi các đơn vị chăn nuôi tập trung rất cần cần lại không có vốn…

Cần tạo chuỗi sản xuất an toàn

Hầu hết các doanh nghiệp lớn khi tham dự hội nghị đều khẳng định rằng để bình ổn được thị trường thịt và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm, việc cần thiết là tạo một chuỗi sản xuất khép kín từ con giống đến tiêu thụ.

Bà Nguyễn Thị Lệ Hồng cho rằng, trong chuỗi sản xuất chăn nuôi, hai khâu không có lãi là giống và giết mổ tập trung, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để có chuỗi sản xuất hoàn chỉnh. Hệ thống nhà máy giết mổ rất quan trọng, khi dịch bệnh xảy ra, lây truyền lớn nhất là chăn nuôi và giết mổ, nhưng chưa được đầu tư tốt.

Ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết thêm hiện giá con giống ở Việt Nam cao, tại sao không cho nhập khẩu ở nước láng giềng với giá thấp chỉ bằng một nửa. Điển hình là giá gà giống trong nước hiện 26.000-28.000 đồng/con, trong khi ở Thái Lan giá chỉ 13.000-14.000 đồng/con 1 ngày tuổi.

Cũng bàn về việc tăng đàn lợn giống, một số chủ trang trại, giám đốc doanh nghiệp chăn nuôi cho rằng, đàn lợn nái ở miền Bắc giảm 20%, kéo theo giảm đàn lợn giống và lợn thịt.

Để tăng đàn lợn nái, các chủ trang trại đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn can thiệp, hàng năm Trung tâm khuyến nông quôc gia có hỗ trợ tiền phát triển chăn nuôi, trong năm nay đề nghị Trung tâm Khuyến nông dồn số vốn này vào để tăng đàn lợn nái; đồng thời ở các địa phương cũng nên dành một phần vốn để hỗ trợ phát triển đàn lợn nái. Đồng thời Bộ nên giám sát chặt các doanh nghiệp thức ăn chăn nuôi để không tăng giá vô lý, cần tăng hạ giá theo đúng thực chất vấn đề nguyên liệu đầu vào.

Theo ông Nguyễn Quốc Trung, Tổng giám đốc Công ty chăn nuôi Japfa Việt Nam, vấn đề quan trọng là làm sao giảm được giá thành chăn nuôi, còn vấn đề cung cầu khó điều tiết được ngay lập tức.

Ông Trung gợi ý, nên chăng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn can thiệp để thuế suất nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi về 0%, để người chăn nuôi có thể giảm khoảng 250.000 đồng/con lợn. Để bình ổn nguyên liệu, dứt khoát cần đến những doanh nghiệp lớn đủ điều kiện, được hưởng chính sách về lãi suất để thu mua, tồn trữ nguyên liệu phòng trường hợp giá cả tăng đột biến.

Trước những bức xúc của doanh nghiệp và chủ trang trại chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết đang triển khai nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để bình ổn thị trường sản phẩm từ lợn và gia cầm, trong đó vấn đề con giống.

Cục Chăn nuôi cần đánh giá lại hiệu quả của các đơn bị này từ đó có thể hỗ trợ cho các cơ sở ngoài Nhà nước cung ứng con giống nếu họ làm hiệu quả… Bộ kêu gọi các doanh nghiệp chăn nuôi và phân phối hạ giá, tung sản phẩm mạnh ra nhằm bình ổn thị trường giai đoạn hiện nay./.

Liên Phương (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục