TP. Hồ Chí Minh giảm tới hơn 100.000 hộ nghèo trong hơn 20 năm

Từ 121.722 hộ nghèo đói, chiếm tỷ lệ 17% tổng hộ dân Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 1992, đến cuối tháng 5/2015, số hộ nghèo Thành phố chỉ còn lại 19.482 hộ.
TP. Hồ Chí Minh giảm tới hơn 100.000 hộ nghèo trong hơn 20 năm ảnh 1Gia đình anh Phan Thanh Dũng (Củ Chi ) thuộc diện hộ nghèo trước đây nhưng nay đã ổn định, thuộc diện thoát nghèo bền vững. (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Ngày 26/9, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 23 năm thực hiện Chương trình giảm nghèo.

Dự hội nghị có ​ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; ông Vũ Văn Ninh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Đánh giá cao những thành tựu đạt được trong công tác giảm nghèo của Thành phố Hồ Chí Minh 23 năm qua, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định, những kết quả đạt được hôm nay đã khẳng định đường lối đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự năng động, sáng tạo và thực hiện quyết liệt của Thành phố, từ đó góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước, làm cơ sở, tiền đề để Thành phố tiếp tục thành công trong giai đoạn tới.

Để cùng cả nước thực hiện thành công sự nghiệp giảm nghèo nhanh và bền vững trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị Thành phố Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo các chủ trương, quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp đã được Chính phủ phê duyệt tại Đề án tổng thể chuyển đổi phương pháp tiếp cận cho người nghèo từ đơn chiều về thu nhập sang đa chiều áp dụng trong giai đoạn 2016-2020 cho phù hợp với đặc điểm tình hình và thực tế phát triển kinh tế của địa phương.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tin tưởng với truyền thống vẻ vang của Thành phố anh hùng trong thời kỳ đổi mới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục là ngọn cờ đầu trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực giảm nghèo, tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ lần thứ X, thực hiện mục tiêu Thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Trong 23 năm (1992-2015), Chương trình xóa đói giảm nghèo (nay là chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá) của Thành phố Hồ Chí Minh được chia ra làm 4 giai đoạn với 7 lần nâng chuẩn hộ nghèo theo tiêu chí thu nhập. Từ mức đầu tiên của giai đoạn 1 là 2,5-3 triệu đồng/người/năm, đến nay hoàn thành giai đoạn 4, chuẩn nghèo được nâng lên thành 16 triệu đồng/năm, hộ cận nghèo là 21 triệu đồng/năm, cao gấp gần 3 lần chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015.

Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, từ 121.722 hộ nghèo đói, chiếm tỷ lệ 17% tổng hộ dân Thành phố vào năm 1992, bằng sự kiên trì, bền bỉ, tính đến cuối tháng 5/2015, số hộ nghèo Thành phố còn lại 19.482 hộ, chiếm tỷ lệ 0,99% tổng hộ dân Thành phố, số hộ cận nghèo là 51.681 hộ, chiếm tỷ lệ 2,63% tổng hộ dân Thành phố. Dự kiến đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo sẽ còn dưới 1% và tỷ lệ hộ cận nghèo là 2,3%.

Với tổng nguồn vốn huy động trong 23 năm qua đạt 7.136.218 tỷ đồng, chương trình đã giúp hàng triệu lượt người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo Thành phố được tiếp cận vốn với lãi suất ưu đãi để sản suất; 33.323 lao động được miễn giảm học phí đào tạo nghề; đưa 807 lao động thuộc diện hộ nghèo đi làm việc ở nước ngoài; giải quyết cho hơn 510.000 lao động nghèo có việc làm ổn định có thu nhập, tích lũy vượt được chuẩn nghèo, cận nghèo; đồng thời, tạo ra thêm nhiều việc làm, dịch vụ và sản phẩm cho xã hội, đóng góp một phần không nhỏ vào mức tăng trưởng kinh tế chung của Thành phố.

Ông Hứa Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch ​Ủy ban Nhân dân Thành phố nhấn mạnh, những kết quả trong công tác giảm nghèo của Thành phố Hồ Chí Minh trong 23 năm qua đã góp phần giảm dần chênh lệch về mức sống giữa các nhóm dân cư trong xã hội, đặc biệt là kéo giảm khoảng chênh lệch giữa nhóm hộ dân cư có thu nhập cao nhất (hộ giàu) và nhóm hộ dân cư có thu nhập thấp nhất (hộ nghèo) của Thành phố từ hơn 10 lần năm 1992, xuống còn 6,6 lần năm 2014.

Trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố sẽ chuyển đổi phương pháp tiếp cận đo lường nghèo từ đơn chiều sang đa chiều, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giảm nghèo, không để tái nghèo, tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản như giáo dục đào tạo, y tế, việc làm, bảo hiểm xã hội, nhà ở… đồng thời sẽ rà soát, bổ sung hoàn thiện các nhóm chính sách giảm nghèo theo hướng giảm nghèo bền vững, mở rộng chính sách hỗ trợ theo từng chiều thiếu hụt của người nghèo, có chính sách ưu tiên đối với nhóm hộ thuộc diện bảo trợ xã hội…

Nhân dịp này, 15 tập thể của Thành phố Hồ Chí Minh đã vinh dự được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 21 tập thể và 4 cá nhân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chương trình giảm nghèo, tăng hộ khá trên địa bàn Thành phố, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục