TP Hồ Chí Minh khắc phục tình trạng "khát" nước sạch

Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, hiện chưa tới 10% người dân ở các quận, huyện ngoại thành của TP.HCM được sử dụng nước máy hợp vệ sinh.
TP Hồ Chí Minh khắc phục tình trạng "khát" nước sạch ảnh 1Nước sạch về đến thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tình trạng “khát” nước sạch đang là vấn đề bức xúc của nhiều gia đình sống ở các quận, huyện ngoại thành của Thành phố Hồ Chí Minh. Theo Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), hiện chưa tới 10% người dân ở các quận, huyện ngoại thành như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, quận 12 được sử dụng nước máy hợp vệ sinh.

Mòn mỏi chờ nước sạch

Từ nhiều năm nay, hàng nghìn hộ gia đình ở phường Tân Chánh Hiệp (quận 12) ngày nào cũng phải mua vài bình nước sạch để sử dụng vì nước giếng khoan bị nhiễm bẩn.

Những gia đình không có điều kiện mua nước đóng bình thì vẫn phải dùng nước giếng khoan, trong khi nguồn nước này đang ngày càng ô nhiễm. Cũng trong tình trạng tương tự, nhiều hộ dân tại các xã Bà Điểm, Xuân Thới Sơn, Đông Thạnh của huyện Hóc Môn đang phải sử dụng nước giếng khoan bị nhiễm phèn, mà chưa có cách nào khắc phục.

Theo thông kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, một ngày có khoảng 619.000 m3 nước ngầm được khai thác, chủ yếu là của các doanh nghiệp tư nhân và người dân lấy nước sinh hoạt. Theo đó, có hơn 250.000 giếng khoan của hộ dân khai thác từ 0,5-1m3/giếng/ngày.

Tiến sỹ Nguyễn Văn Ngà, Trưởng phòng Tài nguyên Nước và Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, các quận, huyện như Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Gò Vấp, quận 12 có tỷ lệ dân khoan giếng lấy nước ngầm nhiều nhất.

Tuy nhiên, chất lượng nguồn nước ngầm hiện nay đang có nhiều vấn đề khi nguồn nước mặt bị ô nhiễm nghiêm trọng thấm gỉ vào lòng đất. Việc khai thác nước ngầm không hợp lý có thể dẫn đến những hậu quả suy giảm nguồn dự trữ nước ngầm chiến lược. Chất lượng nguồn nước ngầm đang bị thay đổi, ô nhiễm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của người dân.

Ngoài ra, mực nước ngầm suy giảm dẫn đến lún sụt mặt đất, biến dạng công trình, đồng thời có thể dẫn đến xâm nhập mặn các nguồn nước mặt của thành phố. Đơn cử như quận 12 trước kia là quận ven đô, dân thưa thớt, chủ yếu trồng rau màu, nhưng nay dân cư đông đúc, vị trí giếng và nhà vệ sinh sát nhau mặc dù giếng khoan sâu 30-40m vẫn thấm xuống đất. Hay tại một số phường của quận Gò Vấp khảo sát cho thấy lượng nitơ trong nước rất cao. Nguyên nhân là do giếng của người dân đặt không đúng chỗ, thường gần những khu vực dễ bị thấm nước bẩn. Ngoài ra, hệ thống thoát nước tại khu vực ngoại thành không được liên hoàn, không có hệ thống thoát nước mặt và nước thải riêng.

Cũng theo tiến sỹ Nguyễn Văn Ngà, nguồn nước dưới đất không như cái bể chứa nước mà nằm trong khe hở của cát, đất, sỏi… Khi khoan xuống vị trí đó sẽ hút nước bên cạnh chảy vào rất nhanh và nước ở xa sẽ chảy vào chậm. Vì nước không ào vào được nên làm cho khu vực đó bị hạ thấp mực nước xuống, đến một giai đoạn quá áp lực nén ban đầu sẽ gây ra lún mặt đất, nếu khai thác quá tập trung một chỗ. Nếu có mạng cấp nước thì không khai thác nữa, còn khu vực chưa có mạng cấp nước máy đến thì vẫn cho người dân khai thác nhưng khi có mạng cấp nước thì nên lấp giếng lại.

Tăng cấp nước máy, để bảo vệ nước ngầm

Để giảm tình trạng khai thác nước ngầm quá mức như hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, chính quyền thành phố đã và đang triển khai kế hoạch phủ kín mạng lưới cấp nước máy sinh hoạt rộng khắp các khu dân cư.

Căn cứ theo quy hoạch cấp nước của Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2015 thành phố được phép khai thác lượng nước ngầm là 440.000 m3/ngày và đến năm 2025, tỷ lệ khai thác nước ngầm của thành phố chỉ còn 100.000 m3/ngày. Như vậy, trong 10 năm nữa, lượng nước ngầm được phép khai thác sẽ phải giảm mạnh.

Theo ông Tô Trung Dũng, đại diện Sawaco, trong nhiều năm qua, Sawaco đã hết sức nỗ lực để đảm bảo cung cấp nước chất lượng, an toàn, liên tục cho người dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Tính đến nay, tỷ lệ hộ dân được cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước của Sawaco đạt gần 92%. Chỉ còn những khu vực dân cư sống rải rác không tập trung, chủ yếu ở các quận vùng ven và ngoại thành hay khu vực thuộc quy hoạch chờ giải tỏa không có đủ điều kiện để lắp đặt đường ống cấp nước, chưa được cấp nước sạch.

Ngay từ đầu năm 2014, Sawaco đã làm việc với Ủy ban Nhân dân các quận, huyện có khó khăn về nước sạch như quận 12, Gò Vấp, Bình Tân, Thủ Đức, Bình Chánh, Hóc Môn rà soát lại tình hình.

Trên cơ sở đó, Sawaco đã xây dựng kế hoạch đầu tư năm 2014, với việc hợp tác đầu tư xây dựng Nhà máy nước Thủ Đức 3, công suất 300.000 m3/ngày, dự kiến hoàn thành cuối năm 2014, nâng tổng công suất cấp nước của Thành phố Hồ Chí Minh lên 1.950.000m3/ngày; đầu tư phát triển mạng đường ống cấp 1, cấp 2 với tổng chiều dài hơn 67km đường ống, đầu tư lắp đặt mạng cấp 3 với tổng chiều dài 422 km đường ống; xây mới và nâng cấp mở rộng 12 trạm cấp nước thuộc Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn…

Theo các chuyên gia, khi mạng cấp nước phủ khắp, vì vấn đề kinh tế, nhiều gia đình vẫn sử dụng song song cả hai nguồn (nước giếng khoan và nước máy), nên vẫn có nguy cơ gây ô nhiễm tầng nước ngầm. Do đó, tốt nhất khi đã có mạng cấp nước máy, thì người dân nên trám lấp giếng khoan. Muốn làm được điều đó thì chính quyền địa phương phải tích cực vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu cùng thực hiện.

Việc hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật để người dân trám lấp giếng khoan đúng kỹ thuật khi đã có mạng cấp nước sạch là việc nên làm để giải quyết tận gốc vấn đề. Người dân các quận, huyện ngoại thành có quyền hy vọng đến hết năm 2014 sẽ được sử dụng nước máy hợp vệ sinh, không phải sử dụng nước giếng khoan nhiễm bẩn như hiện nay nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục