TP.HCM: Chuyển chiến lược từ xét nghiệm sang tập trung điều trị

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam, ngành y tế thành phố đang tập trung triển khai chiến lược chuyển từ xét nghiệm tầm soát sang tập trung điều trị nhằm giảm bệnh nhân nặng và tử vong.
TP.HCM: Chuyển chiến lược từ xét nghiệm sang tập trung điều trị ảnh 1Bác sỹ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin tại buổi họp báo. (Ảnh: Thành Chung/TTXVN)

Ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai chiến lược chuyển từ xét nghiệm tầm soát sang tập trung cho trị liệu, hướng tới mục tiêu giảm tỷ lệ bệnh nhân mắc COVID-19 trở nặng và tử vong.

Đây là thông tin được Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Hoài Nam đưa ra tại cuộc họp cung cấp thông tin về phòng, chống dịch COVID-19 tại Thành phố ngày 10/8.

Chuyển chiến lược từ xét nghiệm sang tập trung điều trị

Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố triển khai 5 tầng thu dung điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19. Mới đây, dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế, thành phố đã đưa ba Trung tâm Hồi sức COVID-19 vào hoạt động với quy mô 1.500 giường. Tất cả trung tâm này đều có oxy trung tâm, bồn lọc áp lực cao đáp ứng được nhu cầu sử dụng máy thở cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Thành phố đã triển khai các Trung tâm Hồi sức như Bệnh viện Hồi sức COVID-19 đặt tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Trung tâm Hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện 175. Việc chăm sóc y tế tại nhà, tăng cường cấp cứu 115, có chiến lược bác sỹ tình nguyện hướng dẫn người mắc bệnh, thông qua tổng đài để được tư vấn. Song song đó, Thành phố tăng cao năng lực tiêm vaccine.

Về tiến độ tiêm chủng vaccine, tính đến trưa 9/8, Bộ Y tế phân bổ 17 đợt vaccine cho thành phố, với 4.111.040 liều vaccine và đã tổ chức tiêm được 3.430.990 mũi. Thành phố đã tổ chức các đợt tiêm chủng 1, 2, 3, 4 từ ngày 8/3 đến ngày 30/6, với tổng số vaccine được phân bổ cho 4 đợt là 923.050 liều; đã tiêm được 991.872 mũi (927.456 mũi 1 và 64.416 mũi 2). Thành phố tiếp tục tổ chức tiêm chủng đợt 5 từ ngày 20/7 đến nay với tổng số vaccine được phân bổ là 3.187.990 liều.

[Đề nghị TP.HCM trả lời việc mua 5 triệu liều Moderna trước 15/8]

Tính đến 12 giờ ngày 9/8, Thành phố đã tiêm tổng cộng 2.439.118 mũi tiêm/3.187.990 liều vaccine được cấp. Thành phố sẽ tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tiêm 250.000-300.000 mũi/ngày. Số vaccine còn lại là 913.204 liều đã cấp phát cho các đơn vị tiêm chủng. Dự kiến đến hết ngày 12/8, thành phố sẽ sử dụng hết số vaccine được cấp.

Do đó, Thành phố đã có văn bản đề xuất Bộ Y tế tiếp tục cấp vaccine trong tháng Tám này với tổng số liều là 5,5 triệu liều để thực hiện mục tiêu đạt độ bao phủ vaccine cho người dân trong công tác phòng, chống dịch COVID-19,” ông Nguyễn Hoài Nam nói.

Trao đổi thêm vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh Từ Lương cho biết tiến độ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 của Thành phố đã được đẩy lên rất nhanh và chuyên nghiệp. Trung bình mỗi ngày, thành phố có thể tiêm được 220.000-250.000 liều và có thể đẩy nhanh hơn nữa. Do đó, nếu được phân bổ đủ lượng vaccine, chắc chắn thành phố sẽ đảm bảo mục tiêu đề ra trong tháng Tám này.

Nhanh chóng đưa gói hỗ trợ tới người dân trước ngày 15/8 tới

Theo Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Lê Minh Tấn, sau khi Hội đồng Nhân dân Thành phố ban hành Nghị quyết về công tác hỗ trợ, ngành Lao động đã tập trung giải ngân. Đến nay, nhóm lao động bị hoãn việc và nghỉ việc không hưởng lương được hỗ trợ đạt 92%; hỗ trợ 5.800 hộ kinh doanh cá thể dừng hoạt động theo Chỉ thị 16, 15.000 thương nhân ở chợ truyền thống, hơn 365.000 lao động tự do…

Trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, Thành phố tiếp tục triển khai gói hỗ trợ lần hai, trong đó mở rộng đối tượng với tổng kinh phí khoảng 900 tỷ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến ngày 15/8 tới sẽ giải ngân đến người dân. Hiện, một số quận thực hiện nhanh như quận 1, Tân Bình, Bình Tân, Tân Phú, thành phố Thủ Đức…

Cụ thể, hộ nghèo, hộ cận nghèo gặp nhiều khó khăn được nhận thêm 1,5 triệu đồng từ ngân sách và nguồn vận động xã hội hóa Thành phố Hồ Chí Minh hỗ trợ cho người lao động ở trong các khu nhà trọ, khu lưu trú công nhân, khu vực bị phong tỏa gặp khó khăn thực sự.

Thống kê ban đầu có khoảng 174.000 hộ, mỗi hộ nhận 1,5 triệu đồng gồm tiền mặt và quà. “Chỉ những người lao động ở các nhà trọ, xóm nghèo, khu vực phong tỏa đang gặp khó khăn mới hỗ trợ chứ không phải tất cả người ở trọ đều được hỗ trợ. Gói hỗ trợ này không phân biệt hộ khẩu thường trú hay tạm trú,” ông Lê Minh Tấn nói.

TP.HCM: Chuyển chiến lược từ xét nghiệm sang tập trung điều trị ảnh 2Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp trao quà cho công nhân lao động trong khu trọ có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Về cách xác định đối tượng hỗ trợ, theo ông Lê Minh Tấn, người lao động có thu nhập dưới 4 triệu đồng/tháng, không có thu nhập hoặc giảm sâu thu nhập, được phường, xã, thị trấn xác nhận. Để việc hỗ trợ đảm bảo không sót, không trùng, nếu một hộ thuộc nhiều diện, chỉ nhận được một gói. Thành phố sẽ ưu tiên những hộ nghèo, hộ cận nghèo có từ 3 nhân khẩu, hộ lao động có từ 3 người trở lên.

Nguồn lực trích từ ngân sách Thành phố và vận động xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp chung tay hỗ trợ. Bên cạnh đó, Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng 33.000 người chạy xe ôm truyền thống, xe xích lô. Thành phố quyết định hỗ trợ cho nhóm lao động này vì họ không sử dụng công nghệ bắt mối mà chỉ ngồi ở gần bệnh viện, siêu thị, ngã tư đường… mỗi trường hợp được hỗ trợ 1,5 triệu.

Đối với chính sách hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trong dịch COVID-19, với phương châm không để một lao động nào ở trên địa bàn thành phố rơi vào cảnh khó khăn, thiếu đói, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh cho biết Thành phố đã yêu cầu yêu cầu Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh tiến độ hỗ trợ, kịp thời giúp người dân vượt qua khó khăn.

Về chính sách nếu có người không may tử vong do dịch COVID-19, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ gấp 50 lần so với mức hỗ trợ hàng tháng của người bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP (360.000 đồng), tương đương 17,4 triệu đồng cho một trường hợp không may qua đời./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục