TPHCM sẽ kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi

Thành phố Hồ Chí Minh liên kết, phối hợp với các tỉnh lân cận để kiểm soát chặt đầu vào, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Các mặt hàng nông sản thủy sản, thịt gia súc, gia cầm và rau củ quả sẽ được Thành phố Hồ Chí Minh liên kết, phối hợp với các tỉnh lân cận tham gia vào chuỗi an toàn thực phẩm nhằm kiểm soát chặt đầu vào, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị chuyên đề về an toàn thực phẩm trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh do Hội đồng Tư vấn khoa học kỹ thuật, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 7/8.

Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi Cục trưởng Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết: 80% lượng lương thực, thực phẩm tiêu thụ ở thành phố được nhập từ các tỉnh trong khu vực và lân cận. Công tác đảm bảo an toàn các sản phẩm hàng hóa này hiện nay gặp rất nhiều khó khăn bởi phải qua rất nhiều khâu. Muốn như vậy chỉ có cách quản lý theo chuỗi, giám sát từ nguồn nguyên liệu nuôi trồng, nuôi trồng, sơ chế, lưu thông... cho đến chế biến, bảo quản.

Khi đó, quản lý theo chuỗi là “cuộc chơi” giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp tham gia chuỗi sẽ bán được sản phẩm, hàng hóa với giá cao vì chi phí và điều kiện sản xuất nghiêm ngặt hơn.

Cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm quảng bá hình ảnh sản phẩm trong chuỗi. Bên cạnh đó, doanh nghiệp trong chuỗi sẽ được sử dụng logo của chuỗi để quảng bá sản phẩm. Việc triển khai thực thiện không chỉ một ngành, một địa phương mà có cơ chế phối hợp liên ngành giữa các sở, ban ngành. Cơ quan quản lý chuỗi không phải là cơ quan làm thay chức năng, chuyên môn cho các Sở, ban ngành mà chỉ mang tính điều hành chung.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh, diện tích sản xuất rau đủ điều kiện an toàn của thành phố là hơn 3.000 ha, diện tích gieo trồng khoảng 14.500 ha, với sản lượng khoảng 320 ngàn tấn.

Thành phố đã có 329 tổ chức, cá nhân được chứng nhận VietGAP với tổng diện tích 145 ha, tương đương với 650 ha diện tích gieo trồng, với sản lượng dự kiến là trên 15.600 tấn/năm. Toàn thành phố có 56 cơ sở chăn nuôi đạt an toàn, 4 trại chăn nuôi heo, 4 trại chăn nuôi gà đạt chăn nuôi an toàn VietGAHP; hình thành 15 nhóm GAHP (thực hành chăn nuôi an toàn) tại 4 xã thuộc huyện Củ Chi…Tuy nhiên, với diện tích và số lượng nuôi trồng, chăn nuôi như trên chỉ cung cấp một phần nhỏ so với nhu cầu tiêu dùng của người dân thành phố.

Trong tháng 9, Ủy ban Nhân dân Thành phố Chí Minh sẽ ký kết hợp tác trong quản lý với các tỉnh lân cận có số lượng lớn nông sản, thực phẩm cung cấp về thành phố. Việc làm này nhằm giúp sản phẩm nông sản cung cấp cho thành phố có địa chỉ và an toàn, đảm bảo được quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng.

Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh sẽ giúp nhau kiểm tra, kiểm soát việc nuôi trồng, diễn biến của các cơ sở tham gia chuỗi đồng thời có thể huy động sự kiểm tra của các tổ chức, tập thể và cơ quan quản lý chuỗi nắm bắt được sản phẩm tham gia chuỗi ở các địa bàn không thuộc thành phố quản lý.

Hiện Ban Quản lý đề án chuỗi thực phẩm an toàn đang thực hiện kế hoạc 2013. Cụ thể là xây dựng logo chuỗi sản phẩm an toàn để các doanh nghiệp sử dụng trên các bao bì và quảng bá sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng; trong đó một số doanh nghiệp lớn có nguồn nguyên liệu được quản lý tại các tỉnh sẽ được đưa vào chuỗi.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương đang dự thảo kế hoạch triển khai chương trình “Liên kết ngành giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh thành trong và ngoài nước,” “Kết nối doanh nghiệp sản xuất, doanh nghiệp phân phối trên địa bàn thành phố” để tìm kiếm các đơn vị, đối tác tham gia chuỗi và đưa hàng hóa thuộc chuỗi vào trong hệ thống phân phối trên địa bàn thành phố../.

Hứa Chung (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục