“Trả nợ” Hà Nội bằng... game show thuần Việt

Game show "Hà Nội 36 phố phường" mới mẻ ở phong cách thực tế, người chơi thể hiện kiến thức về Hà Nội qua sự tìm kiếm, vận động.
Game show "Hà Nội 36 phố phường" đã đi được một nửa chặng đường. Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần với những phim về làng quê Việt như "Đất và người", "Ma làng", "Gió làng Kình"...  đã đem đến “làn gió mới” cho game show này.

Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với đạo diễn "nông thôn" này.

Một game show thuần Việt có phải lý do để "Hà Nội 36 phố phường" giành huy chương vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc vừa qua, thưa ông?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Khi nhận giải thưởng, tôi thực bất ngờ và xúc động, bởi lẽ đây là lần đầu tôi làm game show lại là một game show có format “thuần Việt”, thậm chí “thuần Hà Nội”. Chương trình được nhận giải một phần bởi vì game show mới lạ, có tính chính trị, xã hội.

Game show tại Việt Nam đang bão hòa, sao ông lại “húc đầu” vào lĩnh vực này?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Vẫn biết tất cả những khó khăn đó, nhưng tôi liều “đổi gió” một chút. Hà Nội hướng đến 1.000 năm có nhiều cảm xúc tha thiết lắm. Tôi muốn làm một cái gì đó có ý nghĩa để “trả nợ” Hà Nội.

Bằng tâm huyết của mình và những người cộng sự uyên bác như nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, nhà sử học Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, nhà thơ Bằng Việt... chúng tôi quyết tâm làm "Hà Nội 36 phố phường".

Sự mới mẻ của game show thể hiện ở phong cách truyền hình thực tế, các đội chơi thể hiện kiến thức qua sự vận động tìm kiếm, di chuyển đến các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử của Hà Nội.

Như ông nói, "Hà Nội 36 phố phường" mang một phong cách mới của truyền hình thực tế - một thể loại còn khá mới mẻ ở Việt Nam, vậy êkíp có gặp khó khăn gì trong quá trình thực hiện?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Khác với những trò chơi truyền hình chỉ thực hiện trong trường quay và trả lời kiến thức từ ngân hàng câu hỏi, theo lối trắc nghiệm, "Hà Nội 36 phố phường" đưa người xem và khán giả đến từng ngóc ngách của thủ đô nghìn năm văn hiến.

Người tham gia cuộc chơi không hề được tập luyện, không phải “diễn” để quay phim mà phải tự mình thể hiện hiểu biết về những nơi đã đến, những con đường đã đi qua và giải quyết những tình huống bất ngờ có thể xảy ra trong hành trình.

Tôi đã chứng kiến cảnh người quay phim vai áo ướt mồ hôi khi đi miệt mài quanh các phố phường. Các bạn trẻ tham gia game show thì rã rời chân vì chạy nhưng họ đều rất nhiệt tình và nở những nụ cười thật tươi.

Được biết, hậu trường của "Hà Nội 36 phố phường" còn có những pha rất gay cấn?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Đó là buổi ghi hình chương trình có chủ đề "Mùa Thu Hà Nội", cả êkíp sản xuất được phen thót tim khi thực hiện phần thi "Truy tìm kỷ vật" ở hồ Tây.

Yêu cầu với các đội chơi là lấy được bông sen còn sót lại trong đầm. Một đội chơi tìm thấy thuyền vội vã nhảy lên, thuyền đổ ụp. Không đầu hàng, một bạn gái nhảy xuống nước, lội bùn đẩy con thuyền ra đến giữa đầm, đoạt kỷ vật. Chiếc micro giá trị cũng đã rơi xuống hồ mất tăm. Đội quay phim cũng ôm máy quay nhảy xuống.

Trong cuộc hội thảo về phim truyền hình gần đây, ông một lần nữa lên tiếng “bức xúc” về chuyện kinh phí, khi làm game show, ông có thoải mái hơn so với khi làm phim truyền hình?

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Game show "Hà Nội 36 phố phường" phát sóng vào 11 giờ thứ Bảy hàng tuần trên VTV3 với sự tài trợ của nhãn hiệu bia HALIDA Thăng Long.

Chúng tôi làm chương trình với một mong muốn gắn tình yêu Hà Nội vào nhịp sống hằng ngày. Tôi rất thích hướng đi cũng như tình cảm mà thương hiệu này dành cho mảnh đất ngàn năm văn hiến./.

Xin cảm ơn ông!

Hoàng Lê/TT&VH (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục