Trách nhiệm của ai?

Liên tục chết đuối ở công trường, trách nhiệm của ai?

Liên tiếp các vụ chết đuối tại công trường dang dở ở Hà Nội khiến người ta lo ngại cho sự an toàn và day dứt câu hỏi về trách nhiệm.

Sau vụ tai nạn thương tâm khiến 4 cháu nhỏ chết đuối tại hố công trường tại Mễ Trì ngày 14/8 vừa qua, Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hà Nội đã có văn bản yêu cầu rà soát tất cả các công trình xây dựng dở dang.

Với những công trình gây nguy hiểm, văn bản yêu cầu chủ đầu tư phải rào chắn, làm biển cảnh báo nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.

Mặc dù vậy, đến ngày 2/10 vừa qua, sự việc đau lòng vẫn tiếp tục xảy ra khi 3 bé gái cũng tử vong vì lý do tương tự tại hố công trường ngập nước tại thôn Thạch Lỗi, Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội. Nỗi đau trùm kín ngôi làng nhỏ bé trên những vành khăn tang trắng cùng câu hỏi day dứt chưa tìm được lời đáp: Trách nhiệm thuộc về ai?

Khi xóm nhỏ quặn lòng vành khăn tang

Đã mấy ngày từ lúc câu chuyện đau lòng đi qua, nhưng nỗi đau vẫn còn hiện hữu trên gương mặt của những người ở lại. Mưa rả rích trên con đường nhỏ, gió lạnh đầu mùa ù ù thổi càng khiến tâm trạng mọi người thêm u ám.

Căn nhà nhỏ của chị Nguyễn Thị Lượng, mẹ cháu Đỗ Thị Thu Hoài (sinh năm 2001) [nạn nhân tử vong trong hố công trường ngập nước ngày 2/10 – PV] nằm ở tít tận góc làng. Người đàn bà 46 tuổi, mắt đỏ vằn và rưng rức khóc mỗi lần nhớ lại ngày Chủ nhật kinh hoàng ấy. Nỗi đau hằn sâu vào từng góc cạnh khắc khổ và nhăn nheo trên khuôn mặt tưởng đang già đi từng phút của chị.

Nghẹn ngào, chị kể, hôm đó là ngày Chủ nhật, 2 chị em cháu Đỗ Thị Thu Hòa và Đỗ Thị Thu Thủy (sinh năm 2001) cùng mấy bạn hàng xóm rủ nhau đi chơi. Đến khu vực công trường đang thi công dở dang, các cháu trượt chân, ngã xuống hố ngập nước. Cháu Thủy may mắn không bị rơi xuống, hoảng hốt chạy miết về làng gọi người cứu giúp nhưng vẫn không kịp.

Nói đến đây, người mẹ trước mặt chúng tôi lại òa lên nức nở. Những giọt nước mắt lã chã rơi xuống khuôn mặt ngây thơ của cháu Thủy từ nãy đến giờ vẫn đăm đăm nhìn lên di ảnh của chị Hòa trên bàn thờ nghi ngút khói. Từ cái ngày định mệnh ấy, cháu Hòa chỉ biết lặng thinh, lúc nào cũng ôm chặt lấy mẹ trong nỗi đau nhói lòng.

Xót xa nhất phải kể đến 2 trường hợp của các cháu Đỗ Thị Hiền và cháu Nguyễn Thị Thu Phương cùng sinh năm 2001. Hiền và Phương là 2 chị em họ nội, họ ngoại nên nỗi đau với người ở lại càng nhân lên bội phần. Bà các cháu, mấy ngày nay chỉ còn biết quẩn quanh trong căn nhà nhỏ. Gặp ai, bà lão cũng hỏi: “Sao ông trời không bắt tôi đi thay các cháu!” Mẹ cháu Hiền, thậm chí còn ốm liệt giường, đến tận bây giờ vẫn chưa sao gượng dậy được.

Điều đáng nói là vào thời điểm xảy ra sự cố, công trường ngập nước chỉ có rào chắn một bên, không có biển báo nguy hiểm. Ngay cả lực lượng bảo vệ cũng không có ai. Anh Đỗ Văn Điển, bố cháu Hiền bức xúc: “Bình thường, người lớn chúng tôi đi qua đây cũng đã phải rất cẩn thận vì bờ công trình trơn tuột. Vậy mà chẳng hiểu sao, đơn vị thi công lại không bố trí biển báo và rào chắn.”

Lại điệp khúc "mất bò mới lo làm chuồng!"

3 ngày sau khi sự việc đau lòng xảy ra, đại diện các gia đình nạn nhân cho hay vẫn chưa có đơn vị nào đứng ra nhận trách nhiệm với cái chết của các cháu.

Anh Nguyễn Văn Đông, bố cháu Phương bức xúc: “Chiều 2/10, đơn vị thi công mới cho cắm biển báo nguy hiểm và dựng hệ thống rào chắn. Nhưng như thế đã là quá muộn vì các cháu đã mất.”

Điều khiến anh Đông bức xúc hơn là sau khi sự việc xảy ra, đơn vị thi công lập tức tiến hành bơm và tháo nước ở hố công trường. Vì vậy, mực nước trong hố hiện khá cạn. Không những thế, qua mấy ngày, đơn vị thi công [Công ty cổ phần cầu hầm Đông Hải - PV] cũng mới chỉ đến viếng mà chưa có động thái nhận trách nhiệm với gia đình các nạn nhân.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Mộc, giám đốc điều hành dự án đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai thuộc công ty Đông Hải, cho hay khu vực xảy ra tai nạn vốn có bảo vệ trông coi và cũng không phải là nơi nguy hiểm. Tuy nhiên, lúc sự cố diễn ra, bảo vệ lại… về ăn cơm nên không trông coi và nhắc nhở các cháu được.

“Còn việc bơm cạn nước hồ và cắm biển nguy hiểm sau đó là để ‘khắc phục sự cố’!” ông Mộc nói.

Đại diện các gia đình có người thân bị nạn cho rằng cách giải thích như thế là quá thiếu trách nhiệm. Họ yêu cầu được làm việc với cả chính quyền và công ty Đông Hải để phân định rõ trách nhiệm giữa các bên.

Điều đáng nói là, trong hầu hết các trường hợp xảy ra tai nạn tại các công trường thi công dở dang, đại diện các nhà thầu đều né tránh trách nhiệm và đổ lỗi cho các yếu tố khách quan. Gần đây nhất, trong vụ việc tương tự xảy ra tại Phú Đô, Mễ Trì, lãnh đạo Vinaconex PVC cũng cho rằng, lỗi lớn nhất là thuộc về phía gia đình khi không quản lý được các em.

Tuy nhiên, theo luật sư Trần Xuân Bình (Văn phòng luật sư Khánh Hưng) trong hầu hết các vụ việc này,  mặc dù đúng là có một phần lỗi do gia đình, nhưng xét cho đến cùng, đơn vị thi công vẫn là phía phải chịu trách nhiệm chính.

Cụ thể, theo điều 33 của Nghị định 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình có quy định rõ ràng: Nhà thầu thi công xây dựng phải lập các biện pháp an toàn cho người và công trình trên công trường xây dựng…. Ở những vị trí nguy hiểm trên công trường phải bố trí người hướng dẫn cảnh báo đề phòng tai nạn.

Như vậy, việc không đảm bảo các quy định dẫn đến cái chết thương tâm theo cùng một kịch bản như thời gian qua trước hết trách nhiệm phải thuộc về phía các nhà thầu. Trong hầu hết các trường hợp này, người nhà các nạn nhân hoàn toàn có thể khởi kiện. Đơn vị thi công cũng có thể bị truy tố hình sự về hành vi vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người theo điều 227 Bộ luật Hình sự./.
Những cái chết được dự báo trước

Tiếp sau vụ tai nạn thương tâm khiến 4 cháu bé tử vong trong hố công trình ngập nước tại Phú Đô, Mễ Trì ngày 14/8, ngày 2/10, người dân thôn Thạch Lỗi, Thanh Xuân, Sóc Sơn lại phải tiễn đưa 3 cháu bé vì lý do tương tự. Ngay cả vụ 6 cháu bé chết đuối tại Tráng Việt, Mê Linh ngày 2/9, một phần nguyên nhân cũng là do sự chậm trễ trong dự án kè đê.

Theo khảo sát của phóng viên
Vietnam+, mặc dù Sở Lao động Thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu các nhà thầu rà soát các công trình xây dựng để đảm bảo an toàn cho người dân, nhưng việc thực hiện vẫn chưa nghiêm túc. Điển hình là hệ thống công trình kiên cố hóa kênh mương chạy suốt theo sông Tô Lịch nhiều đoạn không được rào chắn, tạo thành những cái bẫy với người dân. Dọc đại lộ Thăng Long, rất nhiều công trình và hạng mục thi công dang dở cũng thiếu biển báo, rào chắn.
Sơn Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục