Trách nhiệm khi chậm ban hành văn bản quy định chi tiết Luật

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh, liên quan đến bộ, ngành nào, Bộ trưởng, Trưởng ngành đó phải chịu trách nhiệm.
Trách nhiệm khi chậm ban hành văn bản quy định chi tiết Luật ảnh 1Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính Phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng tổ công tác phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Sáng 24/3, tại Trụ sở Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã kiểm tra tình hình xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh đang nợ đọng và các văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Pháp lệnh có hiệu lực từ ngày 1/7.

Theo thống kê danh mục các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Pháp lệnh và tình hình triển khai xây dựng, hiện còn 10 văn bản hướng dẫn thi hành đã quá hạn nhưng đến nay chưa được ban hành.

Trong đó, Bộ Tài chính nợ 5 văn bản; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nợ một văn bản; Bộ Y tế nợ một văn bản; Bộ Tài nguyên và Môi trường nợ văn bản...

Nghị định quy định chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu theo quy định tại Điểm b Khoản 3 Điều 10 Luật dược do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng (thời hạn trình 1/10/2016), đã quá hạn 5 tháng 23 ngày tính đến thời điểm kiểm tra.

Nghị định của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với hoạt động thuộc lĩnh vực đối ngoại do Bộ Tài chính chủ trì soạn thảo (thời hạn trình 1/8/2016), đến ngày 9/3/2017, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản nhắc Bộ Tài chính trình Thủ tướng theo quy định.

Nghị định của Chính phủ quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường do Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì soạn thảo (thời hạn trình 1/3), đã quá hạn 22 ngày tính đến thời điểm kiểm tra, Văn phòng Chính phủ đang đôn đốc Bộ sớm hoàn thiện để trình...

11 văn bản sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2017 nếu không làm tốt sẽ quá hạn, cần đôn đốc hoàn thành sớm: Bộ Giao thông - Vận tải (4 văn bản); Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (2 văn bản); Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (1 văn bản; Bộ Tư pháp (1 văn bản); Bộ Giáo dục và Đào tạo (1 văn bản); Bộ Công an (1 văn bản); Bộ Công Thương (1 văn bản).

Điển hình như Nghị định quy định chi tiết việc thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và việc thành lập Hội đồng đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu đối với khoản nợ xấu và tài sản đảm bảo của khoản nợ xấu có giá trị lớn do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì soạn thảo (thời hạn trình 15/4/2017); Nghị định quy định điều kiện kinh doanh thiết bị, phần mềm ngụy trang dùng để ghi âm, ghi hình, định vị, do Bộ Công an chủ trì soạn thảo (thời hạn trình 15/4/2017), Nghị định quy định điều kiện kinh doanh ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu xe ôtô do Bộ Công Thương chủ trì soạn thảo (thời hạn trình 15/4/2017) đều còn 22 ngày nữa đến hạn phải trình...

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã báo cáo về tình hình xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh; đồng thời giải trình, làm rõ nguyên nhân của việc chậm ban hành các văn bản; việc theo dõi, đôn đốc các bộ, ngành trong việc xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh.

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cho biết, nhằm thực hiện chủ trương xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, phục vụ, tập trung hoàn thiện thể chế, bảo đảm các quy định đi vào cuộc sống khả thi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Tổ công tác tập trung kiểm tra trách nhiệm của các bộ trong xây dựng thể chế.

Nội dung cuộc họp sẽ được báo cáo Thủ tướng tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4/2017 và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Bộ trưởng chỉ rõ: Cuộc họp liên quan đến trách nhiệm của nhiều Bộ trong việc ban hành văn bản pháp luật. Tổ công tác của Thủ tướng mời 11 bộ, ngành. Đây là việc quan trọng nhưng phần lớn lãnh đạo bộ vắng mặt, chứng tỏ các bộ, ngành ít quan tâm xây dựng thể chế.

Bộ trưởng khẳng định, việc kiểm tra tình hình xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh nhằm thúc đẩy phối hợp tốt hơn giữa các bộ, ngành, Văn phòng Chính phủ. Khâu nào ách tắc cần tháo gỡ.

Khi kiểm tra các bộ, nếu Văn phòng Chính phủ có lỗi, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải xin lỗi. Việc chậm ban hành văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh, liên quan đến bộ, ngành nào, Bộ trưởng, Trưởng ngành đó phải chịu trách nhiệm.

Đối với các văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh đang nợ đọng, Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành cần tập trung hoàn thiện, sớm trình Chính phủ để tiếp thu, giải trình.

Đối với các văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Pháp lệnh sắp đến thời hạn, Bộ trưởng hoan nghênh, đánh giá cao Bộ Giao thông Vận tải đã tích cực hoàn thiện tốt 4 văn bản để trình Chính phủ đúng hạn; đề nghị các bộ Tư pháp, Công an, Công Thương... tiếp tục quan tâm, sớm hoàn thiện đúng thời hạn.

Văn phòng Chính phủ sẽ phối hợp chặt chẽ, thực hiện việc đôn đốc, nhắc nhở các bộ, ngành trong việc xây dựng các văn bản, hoàn thiện thể chế. Nếu còn có ý kiến khác nhau giữa các bộ, Văn phòng Chính phủ sẽ tổng hợp, đề nghị Thủ tướng để Văn phòng Chính phủ chủ trì xử lý.

Với quan điểm công khai, không để tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết Luật, Pháp lệnh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nhấn mạnh: Bộ trưởng, Trưởng ngành nào vẫn để tình trạng nợ đọng văn bản sẽ phải chịu trách nhiệm và phải trả lời chất vấn trước Chính phủ và Quốc hội.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục