Trái Đất nóng lên tạo điều kiện cho virus Tây sông Nile lây lan nhanh

Hạn hán đã khiến dịch bệnh do virus gây chết người có tên gọi "Tây sông Nile" càng trở nên trầm trọng hơn và nhiều khả năng dịch bệnh này sẽ tiếp tục diễn biến xấu do Trái Đất ngày càng nóng lên.
Trái Đất nóng lên tạo điều kiện cho virus Tây sông Nile lây lan nhanh ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ đăng tải trên tạp chí Proceedings B ngày 8/2, hạn hán đã khiến dịch bệnh do virus gây chết người có tên gọi "Tây sông Nile" càng trở nên trầm trọng hơn và nhiều khả năng dịch bệnh này sẽ tiếp tục diễn biến xấu do Trái Đất ngày càng nóng lên.

Nghiên cứu đã xem xét nguyên nhân khiến dịch virus Tây sông Nile biến đổi chóng mặt qua từng năm kể từ khi nó xuất hiện tại Mỹ cách đây gần 2 thập kỷ.

Theo đó, sau khi phân tích các yếu tố nhiệt độ mùa Hè, lượng mưa, thời tiết khắc nghiệt mùa Đông và hạn hán, nhóm nhà khoa học thuộc Đại học California ở Santa Cruz, Mỹ (UCSC) đã chỉ ra rằng nhiệt độ là yếu tố "lý tưởng" cho sự lây lan dịch bệnh này, bên cạnh tác nhân khác có sức ảnh hưởng lớn hơn là tình trạng hạn hán nghiêm trọng.

Tuy nhiên, họ chưa xác định được chính xác cơ chế khiến virus Tây sông Nile lây lan nhanh trong điều kiện hạn hán.

Nhóm nhà khoa học UCSC khẳng định "khó có thể" và thậm chí là "không thể" dự đoán quy mô dịch bệnh trong tương lai, song cảnh báo trong hơn 30 năm tới, số trường hợp mắc bệnh do virus Tây sông Nile gây ra tại một số khu vực của Mỹ có thể tăng gấp 3 lần bởi tình trạng biến đổi khí hậu sẽ gây khô hạn thường xuyên và nghiêm trọng hơn.

Virus Tây sông Nile - cùng chủng virus gây bệnh vàng da và virus Zika, lần đầu tiên được phát hiện tại Mỹ vào mùa Hè năm 1999, với ca nhiễm bệnh ở thành phố New York.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ cho biết kể từ đó đến nay, chủng virus này đã gây bệnh cho khoảng 45.000 người và khiến 2.000 người tử vong.

Nhiều năm qua, các nhà dịch tễ học luôn trăn trở tìm lời giải cho những thay đổi bất thường khi tình hình dịch bệnh do virus Tây sông Nile ngày càng diễn biến xấu, đặc biệt trong các tháng mùa Hè.

Một vài năm trở lại đây, chỉ có khoảng một vài trăm trường hợp nhiễm virus Tây sông Nile nghiêm trọng trên toàn nước Mỹ.

Tuy nhiên, tại các quốc gia khác, đáng chú ý vào năm 2002, 2003 và 2012, có tới 3.000 người nhiễm chủng virus này mỗi năm bị viêm màng não phá hủy chức năng não bộ và có gần 300 ca tử vong.

Tương tự virus Zika, virus Tây sông Nile -lần đầu tiên được xác định vào năm 1937 tại Uganda (phía Đông châu Phi) - không có triệu chứng nguy hiểm nào đối với khoảng 80% người nhiễm, và thường chỉ có các triệu chứng thông thường như đau mỏi cơ thể, phát ban, vàng da, đau đầu, buồn nôn hoặc tiêu chảy.

Tuy nhiên, ở các trường hợp đặc biệt, có thể xảy ra biến chứng phù nề và nhiễm trùng hệ thần kinh, thậm chí dẫn đến tử vong.

Các cá thể chim là vật chủ mà virus Tây sông Nile khu trú - chủng virus lây truyền sang người sau khi những người này bị muỗi mang mầm bệnh đốt. Virus này có sự biến đổi từ vùng này qua vùng khác.

Việc lây lan virus Tây sông Nile cũng được cho là một yếu tố làm suy giảm miễn dịch ở người. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được những khác biệt này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục