Trái ngang chuyện phải thắp đèn dầu ở chính nơi phát điện

Làng Ninh, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) là nơi đứng chân và hoạt động của Thủy điện Nậm Đông 3 nhưng người dân Làng Ninh vẫn chịu cảnh đèn dầu le lói.

Làng Ninh, xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) là nơi đứng chân và hoạt động của Thủy điện Nậm Đông 3 với sản lượng điện đạt gần 100 triệu kW mỗi năm, từ đây nguồn điện này hòa vào dòng điện quốc gia đem ánh sáng đến nhiều miền quê của Tổ quốc.

Thế nhưng dù sống ở ngay nơi sản xuất ra dòng điện, người dân Làng Ninh vẫn chịu cảnh đèn dầu le lói.

64 hộ dân với 330 nhân khẩu ở bản nghèo Làng Ninh hàng ngày vẫn khao khát được dùng điện lưới quốc gia.

Ông Thào A Tủa ở thôn Làng Ninh năm nay đã ngoài 60 tuổi cho biết, bao năm nay sống ở bản làng này, đời bố ông, rồi đến đời ông chưa một lần được dùng điện lưới quốc gia.

Cách đây khoảng 10 năm, được tin sẽ có một nhà máy thủy điện công suất lớn sắp được xây dựng ngay tại thôn mình, ông và nhiều người dân trong bản rất vui mừng vì cơ hội dùng điện lưới quốc gia sắp thành hiện thực.

Để bù lại những tháng ngày không có điện, ông sắm luôn một chiếc tivi, rồi quạt điện chờ sẵn. Thế nhưng Nhà máy thủy điện Nậm Đông 3 đã đi vào hoạt động được gần 5 năm, nhưng ông và tất cả các hộ trong thôn vẫn không được sử dụng điện lưới quốc gia.

Chiếc tivi đã mua được mấy năm nhưng chưa một lần được sử dụng mà chỉ để tượng trưng, thi thoảng ông lại đem ra lau lau chùi chùi cho đỡ bụi.

Ông Thào A Tủa bộc bạch: "Lúc xây dựng nhà máy mình vui lắm, cứ nghĩ sắp được dùng điện là thấy phấn khởi hẳn lên, thế nhưng càng đợi càng không thấy đâu... Từ chỗ hy vọng bây giờ chuyển sang thất vọng rồi."

Trong quá trình xây dựng Nhà máy thủy điện Nậm Đông 3, nhiều hộ dân trong thôn đã nhường đất, ruộng nương để góp sức xây nhà máy.

Khi nhường đất, ngoài việc được hỗ trợ một phần kinh phí, bà con mong muốn được góp một phần nhỏ bé để khi nhà máy đi vào hoạt động cả bản làng sẽ có điện thắp sáng.

Tháng 10/2009, nhà máy thủy điện đi vào hoạt động, đến nay mỗi năm nhà máy sản xuất ra hàng trăm triệu kw điện, dòng điện do nhà máy sản xuất đã mang ánh sáng đến cho nhiều hộ đồng bào ở nhiều miền quê. Vậy mà ngay tại nơi nhà máy hoạt động với những hàng cột điện giăng mắc, đồng bào Làng Ninh vẫn đang hàng ngày hàng giờ làm bạn với đèn dầu. Nỗi khát khao có điện không chỉ ở riêng một hộ nào mà của tất thảy các hộ dân trong thôn.

Bà Mùa Thị Vang, thôn Làng Ninh mong muốn: "Năm nay tôi đã 60 tuổi, ngần ấy năm sống với đèn dầu, khổ lắm. Giờ chỉ mong có chút điện để cả nhà được sáng, được xem tivi, nghe đài, con trẻ học hành cũng đỡ khổ... vậy mà chờ mãi cũng vẫn chưa thấy điện đâu."

Còn ông Lầu A Tống cho biết: "Nhà mình đã nhường gần 200m2 đất đồi của gia đình để nhà máy đặt đường ống dẫn nước. Mình muốn góp một phần nào đó để có điện thắp sáng, nhưng chờ mãi vẫn chưa có điện, giờ mình chẳng biết phải làm thế nào để có điện."

Điện, đường, trường, trạm là những hạng mục luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư đúng mức để góp phần nâng cao dân trí mở lối thoát nghèo. Thế nhưng bao năm nay, mỗi khi đêm về cả bản Làng Ninh vẫn tối đèn.

Về phía cấp ủy chính quyền địa phương cũng chỉ biết động viên bà con yên tâm lao động sản xuất, thực hiện tốt chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước rồi sẽ có điện.

Trước mong muốn của người dân Làng Ninh, ông Vàng A Giàng- Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Túc Đán cho biết do điều kiện kinh tế, 64 hộ đa số là hộ nghèo mà Nhà nước lại chưa có chính sách kéo điện dân sinh cho nên để kéo đường điện sinh hoạt là rất khó khăn. Xã rất mong thời gian tới, huyện và tỉnh tạo điều kiện hỗ trợ nguồn vốn để kéo điện cho bà con Làng Ninh sử dụng.

Làng Ninh là một trong hai thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất của xã Túc Đán với 90,2%. Đời sống của người dân vẫn còn khó khăn thiếu thốn, do vậy việc người dân tự bỏ tiền đầu tư kéo đường điện thắp sáng là điều không thể thực hiện nếu không có sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước.

Không có điện thắp sáng đồng nghĩa với việc đồng bào không được nghe đài, không được xem tivi và không được thụ hưởng nhiều hoạt động khác. Nhận thức của đồng bào vốn đã hạn chế lại càng hạn chế hơn và đây cũng là một trong những nguyên nhân để Làng Ninh mắc mãi trong cái vòng đói nghèo luẩn quẩn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục