Trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam đang bị "ghẻ lạnh"

Các diễn giả cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam phát triển rất chậm và khuyến khích nhà đầu tư trong nước tham gia vào thị trường này.
Trái phiếu doanh nghiệp ở Việt Nam đang bị "ghẻ lạnh" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tại phiên thảo luận về sự phát triển của thị trường vốn của Diễn đàn đầu tư toàn cầu diễn ra ngày 30/9 tại Hà Nội, ông Kiyoshi Nishimuara, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư và đảm bảo tín dụng (Credit Guarantee & Investment Facility - CAIF) cho rằng, thị trường trái phiếu Việt Nam rất khác so với các quốc gia ASEAN. Các nước trong khối này phát triển nhanh từ 10-12%/năm, trong khi ở Việt Nam rất chậm, thậm chí bị thu hẹp lại.

Trái phiếu doanh nghiệp phát triển chậm

Ông Nguyễn Thành Long, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng khoán 15 năm trở lại đây, quy mô thị trường cổ phiếu và trái phiếu chiếm 55% GDP. Trong đó, trái ngược trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ từ 2-3 năm trở lại đây tăng trưởng tốt nhất, hiện tại dư nợ trên 20% GDP.

Cũng theo ông Long, sau 15 năm, thị trường chứng khoán huy động 1,8 triệu tỷ đồng, cùng vốn ngân hàng, thị trường chứng khoán đã đáp ứng 23-25% tổng nhu cầu vốn toàn xã hội. Trong số gần 1,6 triệu tài khoản, nhà đầu tư nước ngoài chỉ chiếm 1% danh mục trên 15 tỷ USD, chiếm 1/4 vốn hóa.

Đánh giá cao về vai trò của nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian qua, ông Long nhấn mạnh, nhà đầu tư nước ngoài đã tạo ra vốn cho thị trường và thanh khoản chiếm 20% tổng khối lượng giao dịch. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nước ngoài đã tạo sức ép cho doanh nghiệp trong nước cải thiện quản trị công ty, chuẩn mực công bố thông tin.

Với vai trò rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài, Chính phủ đã rất quan tâm đến nhà đầu tư nước ngoài và ban hành nhiều chính sách quan trọng trong đó vừa ban hành Nghị định 60 nới room cho nhà đầu tư nước ngoài có hiệu lực từ ngày 1/9/2015.

Theo đó, đối với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài, thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%. Đối với công ty đại chúng không thuộc các trường hợp quy định trên, tỷ lệ sở hữu nước ngoài là không hạn chế, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Cũng theo Nghị định này, nhà đầu tư nước ngoài được đầu tư không hạn chế vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp, trừ trường hợp pháp luật có liên quan hoặc tổ chức phát hành có quy định khác.

Các đại biểu đều nhận định, đây là văn bản mang tính đột phá thể hiện sự kiên định của Chính phủ, đánh giá đúng vai trò của thị trường chứng khoán và nhà đầu tư nước ngoài. Trong suốt 15 năm phát triển, giá trị danh mục nhà đầu tư nước ngoài tăng đều qua các năm dù có biến động trong giai đoạn 2007-2008, dao động 2,5% v à từ năm 2012 hàng năm giá trị danh mục nước ngoài đều tăng 20-25% và tăng đều qua các năm. Điều đó cho thấy tiềm năng thị trường và nhìn nhận dài hạn của nhà đầu tư nước ngoài với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Kiyoshi Nishimuara, Tổng giám đốc Quỹ đầu tư và đảm bảo tín dụng (Credit Guarantee & Investment Facility - CAIF) lại cho rằng, thị trường trái phiếu Việt Nam "rất khác" so với các quốc gia ASEAN. Các nước trong khối này phát triển nhanh từ 10-12%/năm, trong khi ở Việt Nam rất chậm, thậm chí bị thu hẹp lại.

Ở ASEAN, thị trường lớn nhất là Malaysia, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 120 tỷ USD tính tại thời điểm giữa năm nay, thì ở Việt Nam, thị trường này chỉ khoảng 12.000 tỷ đồng. Rõ ràng quy mô Malaysia đã gấp hơn 200 lần Việt Nam. Tính theo GDP, thị trường Malaysia tương đương 40%, còn Việt Nam là 0,3% GDP.

Ông Kiyoshi Nishimuara đặt câu hỏi, tại sao Việt Nam lại thiếu thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù đây cũng là nguồn cung cấp tài chính cho công ty với lãi suất phù hợp dù các công ty có thể vay ngân hàng? Trong khi đó với thị trường trái phiếu, kỳ hạn dài hơn, lãi suất cố định.

“Chúng ta đang cùng nhau chuyển sang thời kỳ không còn dễ kiếm tiền nữa. Chúng ta cần cân nhắc lãi suất trong tương lai và đây cũng chính là yếu tố quan trọng khi nhà đầu tư ra quyết định đầu tư. Việt Nam còn nhiều dư địa cải thiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn phát triển thị trường này ở Việt Nam,” ông Kiyoshi Nishimuara gợi ý.

Mặc dù vậy, ông Kiyoshi Nishimuara cũng đưa ra nhận xét, các nước trong khối ASEAN thường phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ tốt hơn là trái phiếu doanh nghiệp. Ông lấy ví dụ ở Indonesia trái phiếu Chính phủ chiếm 40% nhà đầu tư nước ngoài nhưng trái phiếu công ty chưa đến 10%. Malaysia cũng tương tự khi nhà đầu tư nước ngoài có thể nắm giữ 30% trái phiếu Chính phủ nhưng trái phiếu công ty chưa đến 10%.

Ông Phan Thanh Sơn, Giám đốc khối nguồn vốn và thị trường tài chính của Techcombank kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội trái phiếu Việt Nam cũng thừa nhận, mặc dù thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã phát triển nhanh hơn trước nhưng vẫn còn rất chậm trong bối cảnh hiện nay. Vai trò các định chế trong nước quan trọng nhưng cũng chưa có sự tham gia tích cực chủ động với nước ngoài. Những năm tới sẽ có tiến triển mạnh mẽ nữa.

Cần sự tham gia của nhà đầu tư trong nước

Ông Allen Cheng, Trưởng ban châu Á của Euromoney đặt ra câu hỏi, phải phối hợp ra sao với Việt Nam để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp?

Ông Kiyoshi Nishimuara cho rằng, đầu tư từ nhà đầu tư nước ngoài không hẳn là câu trả lời hay mà phải là phát triển nhà đầu tư trong nước. Lĩnh vực tài chính ở Việt Nam chủ yếu là ngân hàng nhưng nếu nhìn vào định chế phi ngân hàng như bảo hiểm tài sản họ lên đến 6-7 tỷ USD nên phải nghĩ sao huy động nguồn tài sản trong nước lâu dài đầu tư trái phiếu.

“Chúng tôi có những giao dịch bảo lãnh trên thị trường trái phiếu Việt Nam 10 năm trị giá 2.100 tỷ đồng, lãi suất cố định 8%/năm. Đó là trái phiếu do Công ty Massan phát hành. Đợt phát hành này đã được các công ty tài chính đăng ký mua toàn bộ, chủ yếu là các công ty bảo hiểm toàn cầu có hoạt động ở Việt Nam. Chúng tôi khuyến khích thúc đẩy nhà đầu tư trong nước đầu tư dài hạn vào trái phiếu doanh nghiệp,” ông Kiyoshi Nishimuara cho biết.

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, thị trường trái phiếu chưa phát triển như tiềm năng, đây là lĩnh vực cần được quan tâm và phát triển.

Thị trường trái phiếu công ty rất nhỏ chiếm 1,3% GDP, nhu cầu vốn hiện nay chủ yếu dựa vào ngân hàng, trong khi ngân hàng phải cân đối nhu cầu vốn ngắn hạn và cung dài hạn.

“Sự phát triển thị trường vốn trong tương lai là cần thiết, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần khuyến nghị phát triển thị trường vốn để hệ thống ngân hàng chỉ cần cung vốn ngắn hạn là chỉ yếu,” bà Hồng nhấn mạnh.

Theo bà Hồng, muốn phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thì vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng để hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước, doanh nghiệp cần nâng cao khả năng hoạt động của mình, còn phía cơ quan quản lý nhà nước là Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để phát triển hơn nữa thị trường này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục