Trạm trộn bê tông "hiên ngang" ở khu thể thao Mỹ Đình

Trạm trộn bê tông không phép mọc giữa khu thể thao Mỹ Đình

Trước thực trạng nhiều trạm trộn bê tông không phép ngang nhiên tồn tại, Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm cho hay sẽ xử lý mạnh tay và yêu cầu phải di dời.
Trạm trộn bê tông không phép mọc giữa khu thể thao Mỹ Đình ảnh 1"Thủ phủ" trạm trộn bê tông tại phường Mễ Trì. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Mặc dù không hề được cấp phép xây dựng, nhưng trên địa bàn một số phường của quận mới Nam Từ Liêm, cả chục trạm trộn bê tông của các công ty tư nhân vẫn ngang nhiên tồn tại, gây ảnh hưởng tới đời sống của nhiều người dân.

Cá biệt, có trường hợp còn ngang nhiên trộn bê tông trong đất của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình.

Trước thực trạng này, đại diện Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm cho hay: Quận này sẽ mạnh tay xử lý, yêu cầu các cơ sở phải di dời trong thời gian sớm nhất.

Cưỡng chế xong, vẫn hoạt động

Theo phản ánh của các hộ dân sinh sống tại phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, trong suốt một thời gian dài vừa qua, tình trạng các trạm trộn bê tông không phép hoạt động đã ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống thường ngày của họ.

Chị Nguyễn Thị Thanh (thôn Thượng, phường Mễ Trì) cho hay: Chỉ riêng tại khu Đồng Rộc Khoai thuộc thôn này vốn có diện tích rộng hàng nghìn mét vuông từ vài năm qua đã mọc lên hơn chục lò trộn bê tông của nhiều công ty khác nhau.

“Các lò trộn này hoạt động suốt ngày đêm thải ra một lượng khói bụi lớn khiến cho bà con rất bất bình,” chị Thanh bức xúc nói.

Theo khảo sát của phóng viên, hiện tại địa bàn phường Mễ Trì còn tồn tại 11 trạm trộn của nhiều công ty tư nhân khác nhau như: Công ty Bê tông An Phúc, Công ty Sơn Long, Công ty An Pha, Công ty Cổ phần Xây lắp và dầu khí Sông Hồng...

Chỉ tay ra con đường chạy ngang qua các trạm, bác Lê Hữu V., một cư dân xã Mễ Trì cho biết: Do các trạm này hoạt động ngày đêm, nên ngoài việc gây tiếng ồn và ô nhiễm, tình trạng các xe tải, xe trộn bê tông với trọng tải lớn cũng thường xuyên lưu thông qua lại.

“Thậm chí, nhiều khi các tài xế còn điều khiển xe chạy ngược chiều với tốc độ cao khiến chúng tôi hết sức lo sợ cho sự an toàn của bản thân,” bác V. thành thật.

Quan sát từ phía đường Lê Quang Đạo, toàn bộ khu đất nông nghiệp rộng hàng ngàn mét vuông trở nên hết sức lộn xộn bởi hàng chục lò trộn cao thấp thi nhau hoạt động. Điều đáng nói hơn, khu “thủ phủ” trạm trộn bê tông này đều không có giấy phép xây dựng cũng như giấy phép hoạt động.

Theo tài liệu Ủy ban nhân dân phường Mễ Trì cung cấp, tất cả các trạm trộn trên địa bàn phường này đều không có giấy phép hoạt động. Tính riêng trong năm 2013, phường này (khi đó vẫn thuộc huyện Từ Liêm cũ) đã rất nhiều lần lập biên bản và cưỡng chế các trạm trộn vi phạm. Bản thân xã Mễ Trì trước đây cũng đã có báo cáo lên huyện Từ Liêm khẳng định việc cưỡng chế đã được thực hiện xong từ tháng 4/2013. Tuy nhiên, sau 1 năm, tất cả 11 trạm trên đều vẫn ngang nhiên tồn tại, hoạt động bất chấp sự bức xúc từ phía người dân.

Trong khi đó, tại địa bàn phường Phú Đô, thậm chí, các trạm trộn bê tông còn được dựng lên ngay trong khu đất của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình và cũng... không có giấy phép xây dựng. Cụ thể, tại khu đất đối diện khán đài D của sân vận động Mỹ Đình, trạm trộn của công ty Việt Hàn vẫn đang tấp nập hoạt động, xe ra vào nhộn nhịp.

Về trường hợp này, trao đổi với phóng viên, ông Ngô Tuấn Thịnh, Cán bộ Thanh tra xây dựng phường Phú Đô cho hay: Qua rà soát, kiểm tra và căn cứ trên các giấy tờ của phía Công ty Việt Hàn cung cấp, các cơ quan chức năng xác định: Công ty này không hề có giấy phép xây dựng các trạm trộn bê tông.

“Họ chỉ có giấy phép thuê lại mặt bằng trong thời gian ngắn hạn ký với Ban quản lý Khu Liên hợp thể thao Quốc gia Mỹ Đình,” ông Thịnh nhấn mạnh.

Không giấy phép, gây ô nhiễm cho môi trường., thậm chí đã nhiều lần bị các cấp có thẩm quyền “tuýt còi” nhưng từ nhiều năm nay, các trạm trộn bê tông vẫn hiên ngang vận hành gây ảnh hưởng lớn tới bộ mặt của quận mới Nam Từ Liêm.

Mạnh tay với sai phạm

Trước thực trạng đã tồn tại nhiều năm qua, đại diện Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm cho hay, trong thời gian tới, quận này sẽ chỉ đạo sát sao, yêu cầu các trạm trộn không phép kể trên buộc phải tháo dỡ và di dời.

Cụ thể, đối với trường hợp 11 trạm trộn tại địa bàn phường Mễ Trì, Ủy ban nhân dân quận đã ra văn bản số 120/UBND-TN&MT ban hành ngày 28/4/2014 về việc xử lý các trạm trộn bê-tông vi phạm trong lĩnh vực đất đai, trật tự xây dựng, gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn phường Mễ Trì.

Văn bản số 120 nêu rõ: “Giao UBND phường Mễ Trì kiểm tra, lập danh sách xác minh rõ, tên, địa chỉ, số tài khoản tại ngân hàng của các chủ đầu tư vi phạm để thực hiện việc khấu trừ chi phí tổ chức cưỡng chế qua các tài khoản ngân hàng. Đồng thời mời đơn vị tư vấn có đủ tư cách pháp nhân xây dựng phương án phá dỡ các hạng mục công trình vi phạm (các trạm trộn bê tông) có chiều cao trên 5m. Lập dự toán chi phí tháo dỡ cụ thể từng hạng mục công trình và xây dựng kế hoạch tổ chức cưỡng chế các công trình vi phạm theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, xong trước ngày 30/5/2014.”

Trạm trộn bê tông không phép mọc giữa khu thể thao Mỹ Đình ảnh 2Trạm không phép mọc ngay trên đất của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia Mỹ Đình. (Ảnh: Sơn Bách/Vietnam+)

Trong văn bản kể trên, quận Nam Từ Liêm cũng đã thẳng thắn phê bình trách nhiệm của Ủy ban nhân dân xã Mễ Trì (nay là phường Mễ Trì) khi chưa xử lý triệt để, để một số doanh nghiệp, cá nhân vẫn tiếp tục hoạt động làm trạm trộn bê-tông, gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng tới mỹ quan đô thị và an ninh xã hội.

Riêng đối với trường hợp trạm trộn bê tông của công ty Việt Hàn nằm trong đất của Khu Liên hợp Thể thao Quốc gia, trong sáng 9/5, đã diễn ra cuộc họp giữa đại diện Việt Hàn với Ủy ban nhân dân xã Mễ Trì, Đội Thanh tra xây dựng quận cùng Cảnh sát môi trường Quận.

“Theo tinh thần cuộc họp này, phía Ban quản lý Khu liên hợp Thể thao Quốc gia sẽ dừng ký hợp đồng với phía Việt Hàn. Đồng thời, chúng tôi cũng yêu cầu Việt Hàn phải ngừng hoạt động và di dời trước tháng 6/2014,” ông Ngô Tuấn Thịnh, cán bộ thanh tra xây dựng phường Phú Đô khẳng định.

Ông Nguyễn Quang Diên, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm cũng cho biết: Trong thời gian tới, quận sẽ mạnh tay xử lý những sai phạm tương tự và coi đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu sau khi chia tách địa giới hành chính mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục