Trăn trở của những nhà giáo luôn miệt mài vì thế hệ tương lai

Giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề, yêu thương học sinh, nhiều giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày đêm miệt mài cống hiến tâm sức, trí tuệ vì thế hệ tương lai.
Trăn trở của những nhà giáo luôn miệt mài vì thế hệ tương lai ảnh 1Một tiết dạy kể chuyện cho trẻ chuyên biệt. (Ảnh: Phương Vy/TTXVN)

Giỏi chuyên môn, tâm huyết với nghề, yêu thương học sinh, nhiều giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày đêm miệt mài cống hiến tâm sức, trí tuệ vì thế hệ tương lai. Với họ, niềm đam mê, nhiệt huyết chưa bao giờ vơi mà ngày càng được bồi đắp theo năm tháng.

Trăn trở với môn Lịch sử

Những năm gần đây, chất lượng học bộ môn Lịch sử ở trường phổ thông có nhiều giảm sút, điểm số môn Sử trong các kỳ thi rất thấp luôn là vấn đề “nóng,” nhận được nhiều sự quan tâm chú ý của xã hội, của các chuyên gia giáo dục và đặc biệt là giáo viên dạy môn Lịch sử.

Làm thế nào để học sinh yêu thích, hứng thú với môn Lịch sử? Làm cách nào để nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử là câu hỏi mà rất nhiều giáo viên dạy lịch sử và ngành giáo dục nói chung đang trăn trở.

Đó cũng là trăn trở của cô giáo Nguyễn Thị Xuân Thảo, giáo viên trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi, quận Gò Vấp.

Cô Thảo băn khoăn làm sao học sinh có thể yêu thích môn Lịch sử thông qua các bài học mà chủ yếu là mô tả diễn biến, dày đặc các con số khô khan. Vì vậy muốn lịch sử trở nên sống động phải được gắn với cuộc sống cụ thể của từng thời kỳ lịch sử và cả hôm nay.

Từ ý nghĩ đó, cô đã đưa ra sáng kiến “Một số biện pháp sử dụng di sản văn hóa trong dạy học Lịch sử dân tộc ở trường Trung học cơ sở” với nhiều giải pháp sử dụng di sản văn hóa hỗ trợ cho việc học tập của học sinh như phục chế mô hình di tích đã mất (dựa trên cơ sở tài liệu và tranh ảnh còn lưu giữ được), sử dụng di sản vản hóa để tìm hiểu các tiết học lịch sử địa phương, sử dụng di sản vản hóa để tiến hành một số hoạt động ngoại khóa.

Từ đề tài “Nghiên cứu tác động công nghệ thông tin trong học tập lịch sử Việt Nam,” cô Thảo đã áp dụng vào thực tiễn giảng dạy và mang lại hiệu quả cao, sự hỗ trợ của công nghệ thông tin giúp giáo viên dễ dàng ứng dụng các phần mềm để thiết kế đồ dùng dạy học, bài giảng điện tử...

Cô Thảo chia sẻ trong học tập bộ môn Lịch sử, điều quan trọng không phải là học sinh sẽ ghi nhớ những con số, những sự kiện mà là biết sử và từ đó đi hiểu sử. Các ứng dụng công nghệ thông tin được đưa vào bài giảng giúp học sinh tiếp cận với các sự kiện lịch sử một cách chân thực, cụ thể, trực quan sinh động.

Từ việc thụ động, tiếp thu kiến thức một chiều, không khí lớp học nặng nề, học sinh trở nên hứng thú hơn tích cực tham gia xây dựng bài học thông qua sự hướng dẫn của giáo viên.

Theo cô Xuân Thảo, việc thay đổi quan điểm giáo dục trong dạy và học môn Lịch sử là rất cần thiết bởi môn học này góp phần dạy cho học sinh “làm người.” Cô Thảo cho rằng cần thay đổi phương pháp dạy môn Lịch sử để gần gũi hơn với học sinh thay vì dạy theo kiểu học thuộc lòng như hiện nay. Tuy nhiên, sự thay đổi phải trong cả hệ thống, chương trình giảng dạy, cách thi và chấm điểm thi.


Thương yêu thôi thì chưa đủ

Khi chúng tôi đến lớp Gấu bông, trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền (quận 2, Thành phố Hồ Chí Minh), cô giáo Nguyễn Thị Minh đang bị “bao vây” giữa những cánh tay lớn nhỏ khác nhau. Những gương mặt con trẻ ngơ ngác, méo xẹo đua nhau “nói” những âm thanh không “tròn vành rõ chữ” xin được trả lời câu hỏi của cô giáo đưa ra.

“Dự giờ” chừng 15 phút cũng đủ cho chúng tôi thấy sự vất vả và kiên nhẫn của một giáo viên mầm non chuyên biệt. Những câu hỏi được lặp đi lặp lại, những hành động rất đơn giản được cô Minh diễn tả nhiều lần. Thế nhưng không phải trẻ nào cũng chịu ngồi một chỗ nghe cô giảng bài, thi thoảng lại chạy lung tung trong lớp.

Ngay sau khi tốt nghiệp Khoa Giáo dục đặc biệt, Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, cô Nguyễn Thị Minh quyết định gắn bó với những mảnh đời thiệt thòi tại trường Giáo dục chuyên biệt Thảo Điền từ năm 2009. Từ đó đến nay, cô Minh không chỉ được biết đến là một cô giáo tận tâm, yêu nghề, thương trẻ mà còn là một “cây sáng kiến” của trường, nhiều năm liền đạt danh hiệu thi đua cấp cơ sở, cấp thành phố, giải thưởng “Nhà giáo trẻ tiêu biểu Thành phố Hồ Chí Minh năm 2015.”

Nhiều giải pháp đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp quản lý, cải tiến lề lối làm việc, phát hiện vấn đề và đề xuất giải quyết vấn đề trong hoạt động giáo dục của cô đã được lãnh đạo nhà trường đánh giá cao, như một số phương pháp phát triển vận động tinh cho trẻ có hội chứng Down (năm 2014); ứng dụng phương pháp Teacch giúp tăng khả năng tập trung chú ý cho trẻ tự kỷ (năm 2013); ứng dụng phương pháp phát triển vốn từ cho trẻ tự kỷ” (năm 2012)... Sáng kiến “Một số phương pháp phát triển vận động tinh cho trẻ có hội chứng Down” của cô được đồng nghiệp và nhà trường đánh giá rất cao, khi đưa vào chương trình dạy tại trường đã mang lại những hiệu quả thiết thực.

Trong phương pháp này, trẻ có hội chứng Down sẽ được làm bài tập và trò chơi phát triển vận động tinh với các phương pháp quan sát, dùng lời, trực quan, làm mẫu,và thực hành lặp đi lặp lại. Giáo viên sẽ quan sát những biểu hiện của trẻ trong quá trình thử nghiệm để lựa chọn những phương pháp phù hợp và theo dõi sự tiến triển của trẻ khi được can thiệp.

“Trò chơi đóng vai trò rất lớn trong sự phát triển vận động tinh của trẻ. Nó giúp trẻ phát huy hết những điều kiện cần thiết cho sự phát triển các hoạt động như nhìn, cầm, nắm, phối hợp tay, mắt... hình thành các khái niệm và hiểu biết về hình tượng. Trò chơi còn được sử dụng như công cụ trị liệu. Trò chơi phải phong phú, đa dạng lựa chọn nhiều trò chơi với nhiều hình thức chơi khác nhau,” cô Minh cho biết.

Cô Minh tâm sự đối với những trẻ khuyết tật về trí tuệ, giáo viên phải rất kiên nhẫn bởi trong một lớp sẽ có nhiều trẻ thuộc các lứa tuổi và loại khuyết tật khác nhau. Tùy từng loại bệnh mà giáo viên sẽ có những cách ứng xử và giảng dạy phù hợp.

Sự phối hợp giữa nhà trường và cha mẹ học sinh còn hạn chế vì đa số gia đình các em có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Cha mẹ trẻ giao phó hoàn toàn việc chăm sóc, dạy dỗ các con cho nhà trường. Thế nên, yêu thương thôi thì chưa đủ mà giáo viên còn phải thực sự là người mẹ thứ hai.

Nhìn những giọt mồ hôi lấm tấm trên vầng trán cô giáo trẻ Nguyễn Thị Minh và nụ cười rạng rỡ trên gương mặt các em, chúng tôi cảm ơn cuộc đời vẫn luôn có những nhà giáo dạy học bằng cả tấm lòng và trái tim như lời nhận xét của cô giáo Hiệu trưởng Hoàng Thị Thu Hường: "Giao lớp cho cô Minh trường rất yên tâm bởi chưa bao giờ thấy nhiệt huyết của cô vơi bớt mà dường như ngày càng được bồi đắp theo năm tháng"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục