Tráng sĩ hề... dâu bể: Nén nhang bạn hữu nhớ Thu Bồn

Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh khẳng định trong thế hệ nhà văn kháng chiến, không ai có thể sánh với Thu Bồn về tầm vóc và đóng góp.
10 giờ sáng 17/6 tại một phòng chiếu phim nhỏ của BHD ở tòa nhà cao nhất Thành phố Hồ Chí Minh, lễ kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhà thơ Thu Bồn đã diễn ra.
Gần 100 anh chị em thân quyến, thân hữu và bạn bè trong giới văn học nghệ thuật thành phố đã tới dự.
Đặc biệt, bác sỹ Đỗ Thị Thanh Thu - người vợ đầu tiên và con trai Hà Băng Ngàn đã có mặt.
[Chim Chơ rao bay đi, thấm thoắt đã 10 năm rồi]
Cố tình không tạo một không khí quá nghiêm túc và u trầm, các vị có mặt đã kể những kỷ niệm vui buồn với nhà thơ. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, giáo sư Nguyễn Văn Hạnh, Trần Hữu Tá, các bạn Bùi Minh Quốc, Nguyễn Duy, Bùi Chí Vinh, Phan Đắc Lữ, Đoàn Minh Tuấn, Phạm Sĩ Sáu, Lê Minh Quốc, các chị Bích Tùng, Lê Thị Kim, Thu Nguyệt (vợ họa sỹ Nguyễn Việt Hải - người bị tai nạn mất trong ngày đi đưa tiễn nhà thơ), nghệ sỹ nhân dân Đoàn Dũng cùng nhiều bạn bè đã kể những câu chuyện về Thu Bồn.
Nhà thơ Ngô Thảo và cuốn "Tráng sĩ hề... dâu bể."
Nhà thơ Lê Quang Trang, Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố, nhà doanh nghiệp Nguyễn Tiến Toàn trong ban tổ chức đã phát biểu ý kiến. Ai cũng thấy với đóng góp của nhà thơ vào bốn cuộc kháng chiến và những tác phẩm có tầm vóc lớn, một giải thưởng cao hơn Giải Nhà nước mới xứng đáng. Người mất không cần nhưng người còn sống sẽ không công bằng khi đánh giá không đúng về người đã khuất.
Vợ đầu (áo đen) và con trai Băng Ngàn (ngoài cùng bên trái) của nhà thơ Thu Bồn.
Giáo sư Nguyễn Văn Hạnh khẳng định trong thế hệ nhà văn kháng chiến Việt Nam, không một ai có thể sánh với Thu Bồn về tầm vóc, về đóng góp cho văn học và cho cuộc chiến đấu.
Buổi cơm trưa được tổ chức đạm bạc nhưng đông đảo bạn bè đã ở lại để trò chuyện thêm về nhà thơ. Cuốn sách được bạn bè đón nhận hào hứng. Tan cuộc, trời mưa lớn. Về nhà bỗng nước mắt chảy tràn. Một kiếp tài hoa, một đời lừng lẫy, bạn bè hai miền tổ chức tưởng niệm mà nào mấy ai biết và chia sẻ được những đau đớn ngậm ngùi của người thân ruột thịt? Có lẽ đây cũng là lần cuối tổ chức được cho Người, Người ơi!
Nhà phê bình Ngô Thảo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục