Tranh cãi kịch liệt quanh khối cầu đá bí ẩn trong rừng ở Bosnia

Nhà khảo cổ học người Bosnia Semir Osmanagic cho biết một khối cầu đá khổng lồ vừa được phát hiện tại một khu rừng ở Bosnia có thể là sản phẩm được chế tác bởi bàn tay con người cổ đại.
Tranh cãi kịch liệt quanh khối cầu đá bí ẩn trong rừng ở Bosnia ảnh 1(Nguồn: Reuters)

Nhà khảo cổ học người Bosnia Semir Osmanagic cho biết khối cầu đá khổng lồ vừa được phát hiện tại một khu rừng ở Bosnia có thể là sản phẩm được chế tác bởi bàn tay con người cổ đại. 

Theo Telegraph, khối cầu đá này có bán kính từ 1,2-1,5m, với hàm lượng sắt "rất cao," được phát hiện trong một khu rừng gần thị trấn Bosnia Zavidovici.

Tiến sỹ Osmanagic tin rằng khối cầu đá đã chứng minh cho sự tồn tại của một nền văn minh bị lãng quên có niên đại hơn 1.500 năm về trước.

Tranh cãi kịch liệt quanh khối cầu đá bí ẩn trong rừng ở Bosnia ảnh 2(Nguồn: Reuters)

Theo một nhà nghiên cứu khác, tiến sỹ Sam Osmanagich, vùng này từng có rất nhiều khối cầu đá vào khoảng giữa thế kỷ 20. Nhiều khối cầu đã bị phá hủy vào những năm 1970 do những tin đồn cho rằng lõi của chúng có chứa vàng.

Được mệnh danh là Indiana Jones của Bosnia, tiến sỹ Osmanagic đã gây được tiếng vang lớn vào năm 2005 khi tuyên bố rằng một cụm đồi ở thung lũng Visoko của Bosnia thực ra là nơi đặt các kim tự tháp cổ được nối với nhau bởi một hệ thống đường hầm.

Mặc dù tuyên bố của ông bị một số người chế giễu, chính phủ Bosnia vẫn ủng hộ tài chính cho các cuộc khai quật được tiến hành ở vùng này.

Thủ tướng Bosnia khi đó là Nedzad Brankovic cho biết: "Họ nói rằng cả thế giới đang cười chúng tôi... nhưng không có chính phủ nào trên thế giới nên im lặng trước những khả năng như vậy."

Tranh cãi kịch liệt quanh khối cầu đá bí ẩn trong rừng ở Bosnia ảnh 3(Nguồn: Reuters)

Anthony Harding, chủ tịch Hiệp hội các nhà Khảo cổ châu Âu, đã mô tả điểm khai quật Visoko như "một sự lố bịch hoàn toàn," nói rằng: "Có một số hiện vật khảo cổ thực sự trên vùng đồi này, và tôi được biết chúng có từ thời Trung cổ, có thể là thời đồ đồng hay La Mã. Nhưng những suy đoán rằng có thể có một cấu trúc 12.000 năm tuổi nằm bên dưới thì hoàn toàn là một sự mơ mộng, và bất kỳ ai có kiến thức cơ bản về khảo cổ hay lịch sử đều phải nhận ra được điều đó."

Vào năm 2016, những người chỉ trích lại một lần nữa lên tiếng trước những tuyên bố có phần "lớn tiếng" của tiến sỹ Osmanagic.

Mandy Edwards đến từ trường đại học Khoa học Đất, Khí quyển và Môi trường Manchester chia sẻ với MailOnline rằng những khối cầu có thể không phải là do con người tạo ra, mà đã được hình thành nhờ "sự tích tụ khoáng tự nhiên trong không gian giữa các hạt trầm tích" - một quá trình còn được gọi là sự cố kết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục