Tranh cãi quanh vụ Hama

Syria: Tranh cãi xung quanh vụ thảm sát tại Hama

Ngày 6/6, phe đối lập tại Syria đưa tin đã xảy ra vụ thảm sát làm gần 100 người thiệt mạng tại làng Al-Kubeir thuộc tỉnh Hama.
Ngày 6/6, phe đối lập tại Syria đưa tin đã xảy ra một vụ thảm sát làm gần 100 người thiệt mạng, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em, tại làng Al-Kubeir thuộc tỉnh Hama, miền Trung nước này.

Tuy nhiên, Chính phủ Syria ngay sau đó đã lên tiếng bác bỏ mọi dính líu tới vụ việc này và cho rằng vụ thảm sát mà một số phương tiện truyền thông đưa tin này là "hoàn toàn không đúng sự thật." Trong một tuyên bố trên truyền hình nhà nước, Damascus khẳng định: "Một nhóm khủng bố đã tiến hành tội ác dã man tại tỉnh Hama làm chín người thiệt mạng và các phương tiện thông tin truyền thông đã thêm thắt số người thiệt mạng."

Trong khi đó, Hội đồng Dân tộc Syria (SNC) thuộc phe đối lập cáo buộc các lực lượng Chính phủ Syria "đã thảm sát" 100 người tại Hama, trong đó có 20 phụ nữ và 20 trẻ em. Các nguồn tin khác, trong đó có Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) và các nhà hoạt động đối lập, cũng cho biết đã xảy ra một vụ thảm sát tại khu vực này và số người bị sát hại là 87 người.

Theo SOHR, vụ thảm sát mới này do một nhóm dân quân ủng hộ chế độ trang bị súng và dao tiến hành tại một nông trại sau khi lực lượng chính quy pháo kích vào khu vực. SOHR đã hối thúc các quan sát viên Liên hợp quốc lập tức tới khu vực nói trên đề điều tra vụ việc.

Trước đó, ít nhất 108 người đã bị sát hại trong vụ thảm sát hôm 25/5 tại thị trấn Houla. Chính phủ đã mở cuộc điều tra và khẳng định vụ này do các nhóm vũ trang nổi loạn tiến hành, chứ không phải lực lượng chính phủ. Tuy nhiên, phe đối lập vẫn một mực cáo buộc các lực lượng chính phủ đứng sau vụ việc này.

Cùng ngày, tại Istalbun, Thổ Nhĩ Kỳ đã diễn ra hội nghị "Những người bạn của Syria" với sự tham dự của đại diện 16 nước nhằm thảo luận cách thức chấm dứt bạo lực tại Syria.

Tại hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã kêu gọi gia tăng sức ép đối với chính quyền Syria và đưa ra một chiến lược Syria với đề nghị chuyển giao quyền lực đầy đủ. Bà cho rằng cộng đồng quốc tế cần chặn các nguồn cung tài chính cho chế độ của Tổng thống Bashar Al- Assad và mở rộng số nước áp đặt trừng phạt. Tuy nhiên, bà cho rằng việc áp dụng Điều VII trong Hiến chương Liên hợp quốc "cần chờ đến thời điểm thích hợp."

Điều khoản này cho phép các nước thành viên "áp dụng mọi biện pháp cần thiết" để thực hiện các quyết định đặc biệt của Hội đồng Bảo an, trong một số trường hợp có thể cho phép hành động quân sự. Bà Clinton cũng kêu gọi Syria thực thi đầy đủ các cam kết của mình theo kế hoạch hòa bình sáu điểm mà Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan đưa ra, và "cho phép khởi động cuộc chuyển giao chính trị."

Bà cho rằng cần thiết lập các yếu tố và nguyên tắc chính nhằm định hướng cho chiến lược chuyển tiếp hậu Assad, bao gồm sự chuyển giao quyền lực đầy đủ của ông Assad, thành lập một chính phủ lâm thời với đại diện của tất cả bên để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử tự do và công bằng, thực hiện ngừng bắn có sự giám sát của tất cả các bên, và công bằng cho mọi người dân Syria theo đúng pháp luật.

Cùng ngày, một hội nghị khác về Syria đã diễn ra tại Washington với sự tham gia của đại diện hơn 55 quốc gia. Các nước tham dự bày tỏ không hài lòng về việc các bên ở Syria không thực thi kế hoạch hòa bình của ông Annan, đồng thời nhất trí triển khai các biện pháp tiếp theo, trong đó có phong tỏa tài sản, cấm vận vũ khí... đối với chính quyền của ông Assad.

Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã gợi ý tổ chức một hội nghị quốc tế về Syria, trong đó có Iran và nhiều nước khác tham gia. Tuy nhiên, ngoại trưởng Anh và Pháp đã bác bỏ đề xuất này với lý do "Iran không có vai trò gì" trong hội nghị quốc tế này.

Theo kế hoạch, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp trong ngày 7/6 để nghe ông Annan báo cáo về tiến triển của kế hoạch hòa bình do ông đề xuất về giải quyết cuộc khủng hoảng Syria./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục