Tranh cãi về kết luận nguyên nhân cá chết trên sông Chà Và

Ngay sau khi nghe Thông báo kết luận của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về nguyên nhân cá chết, người nuôi thủy sản trên sông Chà Và đều không đồng tình với nguyên nhân nêu trong kết luận.
Tranh cãi về kết luận nguyên nhân cá chết trên sông Chà Và ảnh 1Vớt cá chết ở bè nuôi trên sông Chà Và. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Ngày 19/10, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cùng với đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, Phòng Kinh tế thành phố Vũng Tàu và lãnh đạo Ủy ban Nhân dân xã Long Sơn đã có buổi làm việc với người nuôi thủy sản trên sông Chà Và.

Buổi làm việc này để thông báo kết luận số 550/TB-UNBD của Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu về cuộc họp báo cáo kết quả phân tích nguồn nước và hiện tượng cá chết trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu (từ ngày 10/10 đến 15/10) diễn ra chiều 17/10, do ông Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chủ trì.

Kết luận số 550/TB-UBND nêu rõ, nguyên nhân chính xảy ra hiện tượng cá chết từ ngày 10-15/10 là do hiện tượng mưa lớn, nước đổ về với lưu lượng cao, làm cho độ mặn bị giảm đột ngột, thiếu oxy, độ PH có chỉ số cao hơn so với những ngày bình thường và mật độ nuôi chưa phù hợp.

Tuy nhiên, ngay sau khi nghe Thông báo kết luận số 550 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về nguyên nhân cá chết, người dân nuôi thủy sản trên sông Chà Và đều không đồng tình với nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết nêu trong kết luận trên.

Người dân cho rằng, họ đã nuôi cá trên sông Chà Và này nhiều năm, có những năm lượng mưa còn nhiều hơn năm nay nhưng cá nuôi không chết. Nhưng từ khi các nhà máy chế biến hải sản khu vực Tân Hải, huyện Tân Thành (khu vực giáp ranh với sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu) đi vào hoạt động và xả thải thì trong vòng hơn 2 năm nay cá nuôi khu vực này chết liên tục, khiến nhiều hộ nuôi lâm vào cảnh khó khăn.

Tại buổi làm việc, bà Nguyễn Thị Nhành, người bị thiệt hại cá chết trong đợt này đặt câu hỏi với ông Trần Văn Cường về việc người dân thử nhanh mẫu nước tại cống số 6 và sông Chà Và có nhiễm chlorine, vậy chất này có từ đâu ra? Đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng cho người dân. Người dân cho rằng, do các nhà máy chế biến hải sản xả thải nên cá mới chết.

Trước mắt, bà con kiến nghị, nên xây dựng 1 con đê ngăn riêng khu vực xả thải của các nhà máy chế biến hải sản với khu vực nước ngọt tại khu vực cống số 6, để tránh tình trạng khi cống số 6 nước nhiều, xả nước lại dẫn đến hiện tượng cá chết hàng loạt gây thiệt hại cho các hộ nuôi cá lồng bè.

Ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, phía Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cũng đã đề nghị với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho phép công bố thiên tai theo quy định; hỗ trợ cho các hộ dân bị thiệt hại về con giống, thức ăn… nhằm giúp người dân tái đầu tư, tiếp tục sản xuất đồng thời, tiến hành rà soát, thống kê cụ thể danh sách hộ nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và bị thiệt hại vừa qua có vay vốn ngân hàng để đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh đề nghị các ngân hàng có kế hoạch khoanh nợ, giãn nợ cho các hộ nuôi bị thiệt hại.

Ngoài ra, Sở cũng đề nghị Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Khu chế biến hải sản tập trung tại huyện Đất Đỏ nhằm thực hiện di dời các cơ sở chế biến thủy sản đông lạnh và Surimi tại xã Tân Hải trong quý 1/2017.

Như tin đã đưa trước đó, vào ngày 12/10, bà con nuôi cá lồng bè trên sông Chà Và, xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu phản ánh hiện tượng cá nuôi chết hàng loạt. Hiện tượng cá chết hàng loạt đã xảy ra cách đó 2 ngày và hầu hết số cá chết của các gia đình đều có biểu hiện lờ đờ, bỏ ăn, đốm đầu, rồi chết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục