Tranh cãi việc đưa tài liệu "Thảm sát Nam Kinh" vào sổ lưu giữ ký ức

Ngày 9/10, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) thông báo đã đưa tài liệu về vụ "Thảm sát Nam Kinh" của Trung Quốc vào “Sổ lưu giữ ký ức thế giới.”
Tranh cãi việc đưa tài liệu "Thảm sát Nam Kinh" vào sổ lưu giữ ký ức ảnh 1Khu tưởng niệm các nạn nhân của sự kiện Nam Kinh ở Trung Quốc. (Nguồn: Xinhua)

Ngày 9/10, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) thông báo đã đưa tài liệu về vụ "Thảm sát Nam Kinh" của Trung Quốc vào “Sổ lưu giữ ký ức thế giới.”

Tài liệu này là một trong tổng số 47 đề xuất mới bổ sung vào chương trình di sản tài liệu.

Quyết định trên được đưa ra sau khi UNESCO tiến hành họp trong 3 ngày từ ngày 4-6/10 tại thủ đô Abu Dhabi của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và sau quá trình kéo dài 2 năm xem xét 88 đề nghị từ 61 quốc gia.

Việc UNESCO đưa các tài liệu của Trung Quốc về "Thảm sát Nam Kinh" vào "Sổ lưu giữ ký ức thế giới" lập tức vấp phải sự phản đối từ Chính phủ Nhật Bản.

Hãng tin Kyodo (Nhật Bản) ngày 10/10 dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao nước này cho rằng "trường hợp đề xuất (tài liệu của Trung Quốc) được thực hiện trên cơ sở luận cứ đơn phương" và "rất đáng tiếc" khi chúng đã được đăng ký. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cũng đặt nghi ngờ về tính chân thực của các bộ tài liệu trên.

"Vụ thảm sát Nam Kinh" theo cách gọi của Trung Quốc hay "Sự kiện Nam Kinh" theo cách nói của Nhật Bản nhằm ám chỉ những hành động quân đội Nhật Bản trước đây tiến hành bên trong và xung quanh Nam Kinh sau khi thành phố này rơi vào tay quân đội Nhật Hoàng ngày 13/12/1937.

Phía Trung Quốc cho rằng số người thiệt mạng lên tới 300.000 người. Nhiều chuyên gia sử học Nhật Bản đã nhiều lần tranh luận về tính xác thực của vụ thảm sát này, họ cho rằng số người chết đều là binh sỹ và những hành động hung bạo không hề xảy ra. Sự kiện này tiếp tục là một đề tài gây tranh cãi trong quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản.

Sổ lưu giữ ký ức thế giới là danh sách các di sản tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO ra đời năm 1992 nhằm bảo tồn di sản tư liệu của nhân loại cho thế hệ tương lai./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục