Trao đổi điện năng giữa Iran và các nước láng giềng đạt kỷ lục

Bộ Năng lượng Iran thông báo ngày 21/1 rằng quốc gia Hồi giáo này có tổng sản lượng điện trao đổi với các nước láng giềng đạt 1.667 MW tính đến ngày 20/1.
Trao đổi điện năng giữa Iran và các nước láng giềng đạt kỷ lục ảnh 1Xuất khẩu điện của Iran với các nước láng giềng đạt con số 1.085 MW. (Ảnh: AFP)

Bộ Năng lượng Iran thông báo ngày 21/1 rằng quốc gia Hồi giáo này có tổng sản lượng điện trao đổi với các nước láng giềng đạt 1.667 MW tính đến ngày 20/1.

Nguồn tin trên cho hay Iran, Afghanistan, Iraq, Pakistan, Armenia và Thổ Nhĩ Kỳ đã trao đổi tổng cộng 1.376 MW điện tính tới thời điểm ngày 20/1 và lượng điện nhập khẩu của Tehran từ Armenia và Turkmenistan cũng đạt mốc kỷ lục lên tới 291 MW.

Xuất khẩu điện của Iran với các nước láng giềng đạt con số 1.085 MW trong cùng thời kỳ. Iran hiện đang hợp tác trao đổi điện với Armenia, Pakistan, Turkmenistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Azerbaijan, Iraq và Afghanistan.

Bộ trưởng Năng lượng Iran, Hamid Chit-Chian, vui mừng khi được chứng kiến sản lượng xuất khẩu điện của Iran sang các quốc gia láng giềng ngày càng tăng và cho biết Iraq - đất nước tiêu thụ điện chính của Iran, đã kêu gọi Tehran tăng nguồn cung cấp điện cho nước này để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa ngày càng cao.

Hồi tháng 12/2014, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Iran, Sattar Mahmoudi, cho biết Tehran sẽ tăng công suất các nhà máy điện lên mức 33.000 MW trong vòng 5 năm tới nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đồng thời chuyển 16.000 MW của các nhà máy điện chạy bằng khí đốt thành các nhà máy điện với chu trình hỗn hợp.

Iran đã có thể tự cung cấp điện phục vụ nhu cầu sử dụng trong nước, đồng thời đạt tỷ lệ 80% và 90% tự chủ trong việc sản xuất các thiết bị và hàng hóa dùng trong ngành điện.

Quốc gia Hồi giáo này cũng kêu gọi và khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân cùng hợp tác với chính phủ để thúc đẩy ngành công nghiệp năng lượng phát triển.

Ngành điện năng đang giữ một vai trò quan trọng được xem là cứu cánh đối với nền kinh tế của Iran, giúp Chính phủ Iran đạt được các mục tiêu được đặt ra bởi chính sách "Kinh tế kháng chiến" (cách tránh các lệnh trừng phạt của phương Tây và Mỹ nhằm vào Iran) cũng như giúp tạo thêm việc làm, cải thiện an ninh và nâng cao mức sống cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục