Trao giải Cây bút Vàng cho các nhà báo tử nạn khi tác nghiệp

Cây bút Vàng - giải thưởng thường niên của Hiệp hội báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) năm 2015 - đã được trao cho tất cả các nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp.
Trao giải Cây bút Vàng cho các nhà báo tử nạn khi tác nghiệp ảnh 1Cảnh sát điều tra tại hiện trường vụ sát hại nhà báo Oles Buzyna ở Kiev, Ukraine ngày 16/4. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Cây bút Vàng (Golden Pen), giải thưởng thường niên của Hiệp hội báo chí và các nhà xuất bản tin tức thế giới (WAN-IFRA) năm 2015 đã được trao cho tất cả các nhà báo thiệt mạng khi đang tác nghiệp.

“Từ năm 1992, đã có hơn 1.100 nhà báo thiệt mạng chỉ vì họ đã mang sự thật ra ánh sáng hay thể hiện quan điểm của mình,” Chủ tịch Diễn đàn các nhà biên tập thế giới, ông Marcelo Rech phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị Báo chí thế giới lần thứ 67 (World News Media Congress), Diễn đàn các nhà biên tập thế giới lần thứ 22 và Diễn đàn quảng cáo thế giới lần thứ 25 tại Washington, D.C (Mỹ).

“Bi kịch của cuộc thảm sát này càng trở nên rõ ràng hơn nhờ những số liệu đáng sửng sốt: Trong 9/10 vụ giết hại nhà báo, những kẻ sát nhân không bị trừng phạt. Sự thật này đã tiếp tay cho những vụ thảm sát, việc không bị trừng phạt khuyến khích những hành động phạm tội mới, làm cả xã hội vấy máu và phủ nhận quyền tự do báo chí của mọi công dân,” ông Rech nói với hơn 900 nhà xuất bản, tổng biên tập và các lãnh đạo cao cấp trong ngành báo chí khắp thế giới tới dự hội nghị.

WAN-IFRA đã trao giải Cây bút Vàng từ năm 1961 để ghi nhận những hoạt động xuất sắc trong cả bài viết lẫn hành động của cá nhân hay tổ chức nhằm đóng góp cho sự nghiệp báo chí.

Cây bút Vàng cho các nhà báo thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ năm 2015 được trao với mục đích gửi một thông điệp mạnh mẽ tới những kẻ đã gây ra những tội ác chống lại báo chí, cũng như tới các nhà lập pháp và những người có quyền lực ban hành những điều luật hiệu quả hơn và tăng cường những sự bảo vệ mạnh mẽ hơn cho các nhà báo trên toàn thế giới.

Số liệu từ Ủy ban Bảo vệ Nhà báo có trụ sở tại New York cho thấy 87%, tương đương 980 trong số các nhà báo đã thiệt mạng từ năm 1992 là những nhà báo địa phương, cùng với đó là những quốc gia mà các nhà báo gặp nhiều nguy hiểm nhất khi tác nghiệp, bao gồm Iraq (166 người thiệt mạng từ năm 1992), Syria (80 người), Somalia (56 người), Pakistan (56 người) và Mexico (32 người).

Các cuộc xung đột và chiến tranh vẫn chiếm tỷ lệ lớn trong số các nguyên nhân khiến các nhà báo thiệt mạng.

Trước đây, thẻ nhà báo từng là lá chắn bảo vệ cho phóng viên tác nghiệp, song nhiều năm trở lại đây, sự nguy hiểm mà các nhà báo phải đối mặt đã tăng lên đáng kể.

Tổng cộng, 426 nhà báo đã thiệt mạng khi đang tác nghiệp ở địa bàn chiến tranh, trong khi đó, 224 người đã thiệt mạng trong các cuộc giao tranh hay đọ súng. 146 người khác thì thiệt mạng trong các nhiệm vụ nguy hiểm.

Một lưu ý đặc biệt cho WAN-IFRA và cộng đồng báo chí nói chung đó là 51% các nhà báo thiệt mạng từ năm 1992 làm việc cho các tờ báo in.

“Chúng ta có mặt ở đây hôm nay để khẳng định lại cam kết với những đồng nghiệp đã qua đời khi làm nhiệm vụ, rằng chúng ta sẽ không chùn bước, sẽ không để sự hy sinh của họ trở thành vô ích. Câu trả lời của chúng ta, bây giờ và mãi mãi về sau, luôn là nỗ lực vì lý tưởng cao cả nhất của báo chí, đó là tố cáo mọi sự bất công và đóng góp cho một thế giới hòa bình,” ông Rech phát biểu.

Hội nghị Báo chí thế giới tiếp tục diễn ra đến hết ngày 3/6./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục