Trao tiền của cố độc tài cho ngân hàng Philippines

Hơn 23 triệu USD tịch thu được từ nhà của cố độc tài Philippines, Ferdinand Marcos, sẽ thuộc về một ngân hàng của Philippines.
Tòa án tối cao Singapore đã phán quyết hơn 23 triệu USD tịch thu được từ nhà của cố độc tài Philippines, Ferdinand Marcos, sẽ thuộc về một ngân hàng Philippines.

Trong tài liệu 77 trang mà AFP có được ngày 16/8, thẩm phán Andrew Ang bác bỏ những tuyên bố nhận số tiền trên của chính quyền Manila, một nhóm hoạt động vì quyền các nạn nhân thời Marcos và năm tổ chức khác.

Thẩm phán Ang nói số tiền trên, được gửi trong chi nhánh của ngân hàng Đức WestLB ở Singapore, giờ chính thức thuộc về nhà băng tư nhân Ngân hàng quốc gia Philippine National Bank (PNB).

“Quan điểm của tôi là PNB có quyền tài phán pháp lý với số tiền,” ông Ang nói trong phán quyết đưa ra ngày 15/8.

[Vợ góa của Marcos phải hoàn trả tới 280.000 USD]

Số tiền này, bao gồm 16,8 triệu USD và 4,2 triệu bảng Anh (6,58 triệu USD) là một phần của tài sản mà Marcos đã tìm cách tuồn ra nước ngoài dưới dạng nhiều tài khoản ở các nhà băng Thụy Sĩ.

Marcos cai trị Philippines từ 1965 tới 1986, khi ông bị người dân lật đổ. Ông qua đời trong cảnh lưu vong tại Hawaii năm 1989.

Ông lên nắm quyền với tư cách một tổng thống được bầu cử dân chủ, nhưng tuyên bố thiết quân luật vào năm 1972 và sử dụng vũ lực để đè bẹp những người chống đối.

Marcos cùng một nhóm nhỏ người thân và những người thân tín bị cáo buộc đã tích tụ một tài sản lên tới 10 tỉ USD thông qua nhận hối lộ và các vụ làm ăn phi pháp. Hầu hết số tiền sau đó được chuyển ra nước ngoài.

Năm 1998, nhà chức trách Thụy Sĩ đã giải tỏa các khoản tiền gửi ở các ngân hàng tại đây cho PNB. PNB sau đó lại chuyển khoản tiền sang nhiều ngân hàng ở Singapore, bao gồm WestLB, theo phán quyết.

WestLB đã nhờ tới sự hỗ trợ của nhà chức trách năm 2004 khi xuất hiện nhiều nhóm tuyên bố là sở hữu số tiền nói trên.

Trong số những bên nhận quyền sở hữu có chính quyền Philippines, dựa trên một phán quyết năm 2003 của Tòa án tối cao nước này rằng số tiền trên sẽ bị chính quyền tịch thu.

Nhưng Tòa tối cao Singapore nói phán quyết của Tòa tối cao Philippines không có hiệu lực tại nước họ. Thẩm phán Ang cũng bác bỏ quyền sở hữu của các nhóm nạn nhân thời Marcos, nhưng bày tỏ sự thông cảm với họ.

Dù đã có rất nhiều cố gắng được thực hiện tại Philippines, chưa thành viên còn sống nào của gia đình Marcos từng bị truy tố và hiện họ vẫn tiếp tục sống trong xa hoa./.

Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục