Trâu bò chết hàng loạt tại các tỉnh phía Bắc do giá rét

Trong những ngày qua, chịu ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, rét hại xảy ra trên diện rộng, dịch bệnh đang bắt đầu xuất hiện trên đàn gia súc tại các tỉnh phía Bắc.
Trâu bò chết hàng loạt tại các tỉnh phía Bắc do giá rét ảnh 1Người dân bản Tò Lọ, xã Chiềng Đen, thành Phố Sơn La, căng bạt che kín chuồng trại chống rét cho gia súc. (Ảnh: Công Luật/TTXVN)

Trong những ngày qua, chịu ảnh hưởng của không khí lạnh có cường độ mạnh, rét hại xảy ra trên diện rộng, dịch bệnh đang bắt đầu xuất hiện trên đàn gia súc tại các tỉnh phía Bắc.

Tại Bắc Kạn, nhiều vùng nhiệt độ xuống thấp gây xuất hiện tình trạng băng giá như Ngân Sơn, Ba Bể, thành phố Bắc Kạn. Trên địa bàn tỉnh đã xảy ra dịch bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc, cộng với thời tiết rét hại, độ ẩm cao đã làm cho dịch bệnh lây lan nhanh.

Tính đến hết ngày 24/1, dịch bệnh lở mồm long móng đã xảy ra trên bảy xã, ở bốn huyện là Ngân Sơn, Ba Bể, Pác Nặm, Chợ Đồn làm 365 con gia súc ốm, mắc bệnh; trong đó đã có năm con trâu, bò bị chết.

Ông Nguyễn Đình Điệp, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bắc Kạn, cho biết thời tiết mưa ẩm cộng với giá rét khiến việc khống chế dịch bệnh trở nên khó khăn. Tuy nhiên, Sở cùng với địa phương và bà con triển khai biện pháp bảo vệ đàn gia súc, gia cầm không để dịch bệnh lây lan, gây thiệt hại cho người dân.

Mấy năm trước, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn khi xảy ra rét đậm, rét hại thường có hiện tượng trâu, bò chết rét, có năm lên đến hàng trăm con. Tuy nhiên, năm nay, bà con chủ động phòng chống rét cho đàn trâu, bò, dự trữ thức ăn nên không có con trâu, bò nào bị chết rét.

Ông Điệp cho biết thêm Sở chỉ đạo hướng dẫn người dân không thả gia súc ra ngoài khi trời rét, che chắn chuồng trại cẩn thận để tránh gió lùa, có biện pháp sưởi ấm cho gia súc khi nhiệt độ xuống thấp và chuẩn bị thức ăn dự trữ vào mùa đông.

Chi cục Thú y tỉnh Bắc Kạn khuyến cáo thời tiết lạnh sẽ làm gia súc (loài có thân nhiệt ổn định) dễ bị mất thân nhiệt và hơi ẩm cần thiết, dẫn đến co cơ, thậm chí chết rét. Để phòng chống rét cho trâu bò, bà con cần chuẩn bị những bước như chuẩn bị đủ thức ăn tinh và thô cho gia súc, giữ chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ, che kín chuồng trại để tránh gió lùa.

Hằng ngày nên rải thêm một lớp rơm mới trên nền chuồng gia súc để giữ ấm, khi nhiệt độ xuống thấp có thể dùng trấu hoặc củi đốt sưởi ấm cho trâu, bò. Tăng cường cho gia súc ăn thêm các loại thức ăn tinh như cám gạo, ngô, khoai và các thức ăn thô như rơm, rạ, cỏ… Các xã tăng cường kiểm tra, đốc thúc bà con tập trung quây kín chuồng trại, chuẩn bị sẵn thức ăn khô, tinh cho gia súc, đồng thời tuyên truyền cho bà con tuyệt đối không được thả rông trâu, bò khi nhiệt độ ngoài trời xuống thấp.

Tỉnh Sơn La cũng chịu nhiều thiệt hại do băng giá và tuyết. Theo báo cáo của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến 14 giờ ngày 25/1 có 89 con gia súc bị chết bao gồm: trâu 22 con, nghé 12 con, bò 28 con, bê 5 con, lợn 7 con, dê 15 con tập chung chủ yếu tại các huyện Phù Yên, Vân Hồ, Yên Châu.

Chín xã ở các huyện Bắc Yên (5 xã), Phù Yên (1 xã), Thuận Châu (3 xã) phải ngừng cấp điện do mưa, tuyết rơi, đóng băng nên nhiều đoạn trên đường dây 35KV đứt dây, gẫy xà và đóng băng dày làm bát sứ bị tắt nối.

Để chủ động chống rét cho hoa màu, vật nuôi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La đã ban hành các công văn gửi Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố về chủ động phòng, chống đói, rét cho vật nuôi; thành lập Đoàn công tác kiểm tra tình hình sản xuất vụ Đông Xuân 2015-2016 và việc chuẩn bị điều kiện phòng chống đói, rét, dịch bệnh cho vật nuôi; tăng cường phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi vụ Đông Xuân năm 2015-2016.

Theo Báo cáo nhanh của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn, đến thời điểm hiện tại toàn tỉnh đã có 169 con gia súc chết rét trong đợt giá lạnh kỷ lục bắt đầu từ ngày 23/1. Cùng với đó, có khoảng 4.000ha rau màu vụ Đông cũng bị ảnh hưởng và thiệt hại.

Về số lượng gia súc bị chết rét, chủ yếu xảy ra trên bê, nghé và dê con do sức đề kháng yếu không chống chịu nổi giá lạnh. Địa phương có lượng gia súc chết nhiều nhất là huyện Chi Lăng với 69 con chủ yếu là bê và nghé; huyện Lộc Bình với địa hình nhiều núi cao và có xã Mẫu Sơn băng tuyết phủ dày cũng có 15 con trâu, bò chết rét.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lạng Sơn, mặc dù công tác chỉ đạo phòng chống đói rét cho gia súc gia cầm đã được ngành chỉ đạo quyết liệt, lập nhiều đoàn kiểm tra và ban hành liên tiếp các công điện khẩn chỉ đạo phòng chống rét trong các ngày 22, 23 và 24/1 nhưng thời tiết quá khắc nghiệt cùng với một số nơi điều kiện hộ dân còn khó khăn nên một số chuồng trại xây dựng chưa đảm bảo đủ ấm. Bên cạnh đó, bê, nghé còn nhỏ nên sức đề kháng yếu nêu khi thời tiết quá lạnh đã không thể thích nghi kịp.

Ngay trong ngày 25/1, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lạng Sơn đã chỉ đạo riêng các xã Công Sơn, Mẫu Sơn huyện Cao Lộc và Mẫu Sơn huyện Lộc Bình, Ủy ban Nhân dân các huyện trên khẩn cấp sử dụng kinh phí dự phòng hỗ trợ mỗi hộ dân có chăn nuôi trâu, bò 5kg gạo hoặc 5kg ngô để nấu cháo chống rét cho gia súc.

Đến 14 giờ ngày 25/1, 365 hộ dân tại hai xã Công Sơn và Mẫu Sơn thuộc huyện Lộc Bình đã được nhận 1.780kg gạo, 115 hộ thuộc 5/8 thôn xã Mẫu Sơn huyện Lộc Bình đã được nhận 575kg gạo. Số hộ dân còn lại sẽ được phát gạo cứu rét cho trâu bò trong ngày 26/1./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục