Trẻ em dễ chia sẻ hình khêu gợi trên Internet vì cha mẹ bỏ bê

Trẻ em đang bị bắt nạt và lôi kéo chia sẻ những hình ảnh khêu gợi vì các bậc cha mẹ đã để mặc các em "tự do lang thang" trên Internet​, đó là kết luận của một nghiên cứu mới đây.
Trẻ em dễ chia sẻ hình khêu gợi trên Internet vì cha mẹ bỏ bê ảnh 1Trẻ em dễ bị lôi kéo khi không có sự quản lý của cha mẹ. (Ảnh minh họa: telegraph)

Trẻ em đang bị bắt nạt và lôi kéo chia sẻ những hình ảnh khêu gợi vì các bậc cha mẹ đã để mặc các em "tự do lang thang" trên Internet​, đó là kết luận của một nghiên cứu mới đây.

Theo tờ Telegraph, bà Anne Longfield, Ủy viên Ủy ban trẻ em ở Anh nói rằng những người lớn "hoàn toàn vô trách nhiệm" đã từ bỏ vai trò người bảo vệ của họ và để con trẻ "tự bảo vệ mình" trên Internet vì họ không hiểu được công cụ này.

Chiến lược duy nhất của nhiều phụ huynh để giữ cho con cái họ an toàn trong một môi trường mới gần như không có quy tắc gì chỉ đơn thuần là "hy vọng" không có chuyện xấu xảy ra với chúng.

Cảnh báo này được đưa ra khi bà Longfield công bố những kết quả sau một năm nghiên cứu đời sống của thế hệ trẻ em đầu tiên lớn lên trong thời đại internet cũng như trong thế giới thực.

Nghiên cứu này kết luận rằng trẻ em hiện đang dành một nửa thời gian rỗi để lên mạng. Trẻ em 3-4 tuổi hiện tiếp xúc với điện thoại di động trung bình 8 tiếng 18 phút mỗi tuần - tăng gần 25% so với năm ngoái.

Nghiên cứu có tên "Lớn lên giữa thời đại kỹ thuật số" cũng khẳng định khi những đứa trẻ này trở thành những thiếu niên, thời gian lên mạng của chúng sẽ tăng lên thành hơn 20 tiếng mỗi tuần.

Nghiên cứu cũng trích dẫn kết quả của các nghiên cứu trước đây, cho thấy gần một phần ba số trẻ vị thành niên đã từng chia sẻ những bức hình hở hang của mình lên mạng - hay còn gọi là tin nhắn tình dục - và cũng bằng đó trẻ từng tiếp xúc với những nội dung không lành mạnh.

Những kẻ bám đuôi trên mạng được tự do yêu cầu những người trẻ chia sẻ những hình ảnh khiêu dâm của chính mình, bất chấp việc đã nhiều lần bị phản ánh với các nhà cung cấp phương tiện truyền thông xã hội.

Nghiên cứu này cũng đưa ra cảnh báo đáng lo ngại về việc trẻ em thường xuyên vô tình thỏa hiệp sự riêng tư của chính mình và cho các công ty quyền tiếp cận hình ảnh cũng như thông tin cá nhân của mình dưới vỏ bọc những điều khoản và điều kiện "bảo vệ" trên các trang mạng xã hội.

Ngoài việc đang đối mặt với những mối nguy nghiêm trọng nhất, nghiên cứu này còn chỉ ra rằng trẻ em đang phải chịu đựng những hình thức bắt nạt trực tuyến mới và tinh vi hơn, mà người lớn gần như không thể nhận ra - như việc dùng các lượt "thích" và biểu tượng cảm xúc một cách có chủ ý.

Bà Longfield so sánh cách tiếp cận hiện nay của phụ huynh với việc bỏ con cái ở một nơi xa lạ vào giữa đêm khuya mà không cần biết chúng sẽ đi đâu hay gặp ai.

"Internet có sức mạnh phi thường, nhưng các bậc cha mẹ sẽ hoàn toàn là những người vô trách nhiệm khi để con cái lang thang trong một thế giới mà chúng không được chuẩn bị kỹ càng, có rất ít quy định được áp đặt và bị kiểm soát bởi số ít những tổ chức quyền lực," bà nói.

Trẻ em dễ chia sẻ hình khêu gợi trên Internet vì cha mẹ bỏ bê ảnh 2Gia đình và nhà trường cần quan tâm đến trẻ em và dạy cho trẻ kỹ năng sống. (Nguồn: telegraph)

"Điều quan trọng là trẻ em phải được giáo dục tốt hơn nữa để tận hưởng những cơ hội mà Internet mang lại, cũng như hạn chế tối đa những rủi ro.

Trẻ em cũng cần hiểu bản chất của thỏa thuận khi chúng tham gia các mạng xã hội, rằng sự riêng tư của chúng được bảo vệ tốt hơn, và chúng có thể yêu cầu xóa những nội dung được đăng về mình càng sớm càng tốt nếu chúng muốn."

Chia sẻ với tờ Daily Telegraph, bà Longfield cho biết trong vài năm trở lại đây, vai trò lâu năm là người chăm sóc và bảo vệ con trẻ của các bậc cha mẹ đã bị đánh cắp ngay trước mũi họ vì sự bùng nổ của nền văn hóa kỹ thuật số.

"Đó là một sự phát triển quá nhanh chóng, khiến nhiều người không khỏi ngạc nhiên," bà nhận định.

"Điện thoại thông minh mới chỉ trở thành một quy chuẩn được 5-6 năm nay, và hầu hết trẻ vị thành niên ngày nay đang có trong tay một thứ có sức mạnh ngang với thứ mà chúng ta có trên bàn làm việc của mình vài năm trước đây."

Bà nói rằng hiện đang có một sự khập khiễng rất lớn giữa những kỹ năng sống cơ bản và khả năng nhận diện nguy hiểm của các bậc cha mẹ, và hiểu biết bản năng về kỹ thuật của con cái họ.

"Trẻ em đang ở trong một môi trường gần như là hỗn loạn mà đáng ra không bao giờ được tạo ra cho chúng, ngay cả khi chúng là những nhân tố tích cực nhất trong môi trường này."

"Là người làm cha mẹ, chúng ta đều sẽ cảm thấy rất lo khi con cái một mình đi đến một nơi mà chúng không thể xác định được phương hướng; chúng ta sẽ lo lắng nếu đón con rồi thả chúng ở một chỗ nào đó vào lúc 9 giờ tối [mà không biết chúng sẽ đi đâu].

"Nhưng bối cảnh thực sự lúc này là các bậc phụ huynh mới là người không biết họ đang ở đâu."

Bà Longfield đang kêu gọi một chương trình giảng dạy về "công dân thời đại kỹ thuật số" bắt buộc trong nhà trường.  Chương trình này sẽ dạy cho trẻ em các kỹ thuật bảo vệ bản thân trên mạng, từ việc nhận biết "tin tức giả" đến phát hiện người lớn đang giả dạng trẻ em trên mạng xã hội để dụ dỗ các em.

Bà cũng kêu gọi mở rộng tầm ảnh hưởng của các quyền lực pháp lý hiện đang giúp tổ chức của bà thu thập thông tin từ các cơ quan công cộng đến các công ty Internet nhằm hỗ trợ giải quyết những khiếu nại trực tuyến của trẻ em.

Nghiên cứu cũng đề nghị bổ nhiệm chức vụ thanh tra trực tuyến làm người trung gian giữa trẻ em và các công ty Internet trong việc xóa các nội dung không được khuyến khích.

"Chúng ta không nên hoảng hốt và cấm đoán trẻ, cũng như lo lắng về từng giây từng phút trẻ lên mạng. Nhưng chúng ta thực sự cần đảm bảo rằng con trẻ có những kỹ năng cần thiết để hoạt động và ra quyết định đúng đắn khi đang trực tuyến."

Một phát ngôn viên của Tổ chức Quốc gia Chống đối xử tàn ác với trẻ em (NSPCC) cho biết:  "Nghiên cứu này đã đặt ra những câu hỏi quan trọng về cách giúp trẻ em trưởng thành một cách an toàn trên mạng, và chúng tôi rất hoan nghênh những khuyến nghị của bà Longfield.

Cụ thể, chúng tôi đã từ lâu kêu gọi sự cởi mở của các công ty Internet về những gì họ đang làm để bảo vệ an toàn cho trẻ em, cũng như những hành động được thực hiện để xóa bỏ các nội dung quan ngại."

Nữ bá tước Kidron, người sáng lập tổ chức từ thiện 5Rights cho hay: "Ủy viên Longfield đã có một sự can thiệp quan trọng trong chủ đề đang là mối quan tâm chính của các bậc phụ huynh, người chăm sóc, giáo viên và bản thân những người trẻ tuổi.

Bà đã chỉ ra thực tế thiếu thốn sự hỗ trợ trong các dịch vụ mà trẻ em hay dùng, khoảng cách rất xa về kiến thức trong thời đại kỹ thuật số cũng như một tình huống bất ốn mà ở đó những quyền lợi cố hữu của trẻ em không được áp dụng trên mạng."

Một người phát ngôn của Chính phủ cho biết: "Internet đã cho trẻ em và thanh niên những cơ hội tuyệt vời, nhưng bảo vệ các em khỏi những rủi ro trực tuyến tiềm tàng là yêu cầu thiết yếu.

Nước Anh là cái tên đi đầu thế giới về an toàn trên Internet, nhưng chúng ta còn rất nhiều điều phải làm, và chúng tôi sẽ xem xét nghiên cứu này thật kỹ càng như một phần trong công tác biến Internet thành một nơi an toàn hơn cho trẻ em"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục