Trẻ em Indonesia bị tiêm nhiễm nhiều luồng tư tưởng cực đoan

Bộ Xã hội Indonesia mới đây đã trả tự do cho 161 đối tượng đã hoàn thành chương trình cải tạo và chống quá khích, trong đó gần 50% là trẻ em.
Trẻ em Indonesia bị tiêm nhiễm nhiều luồng tư tưởng cực đoan ảnh 1Trẻ em Indonesia. (Nguồn: Peek Holidays)

Indonesia đang phải đối mặt với mối đe dọa từ việc trẻ em ngày càng dễ trở nên quá khích do tiếp xúc với các luồng tư tưởng, các quan điểm cực đoan trên mạng Internet, mạng xã hội hoặc do ảnh hưởng từ người lớn.

Bộ Xã hội Indonesia mới đây đã trả tự do cho 161 đối tượng đã hoàn thành chương trình cải tạo và chống quá khích, trong đó gần 50% là trẻ em.

Giám đốc chương trình Nahar cho biết những người trên đều từ Syria trở về hoặc chuẩn bị rời Indonesia để tới quốc gia xung đột này.

Theo ông Nahar, những đứa trẻ đã bị tiêm nhiễm các tư tưởng cực đoan từ cha mẹ, vốn có liên hệ với các nhóm cực đoan, đặc biệt là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria.

Cảnh sát quốc gia và Cơ quan Chống khủng bố quốc gia (BNPT) Indonesia đang giám sát chặt chẽ mọi đối tượng, kể cả trẻ em, có ý định tới Syria. Mới đây, BNPT đã ký một thỏa thuận với Ủy ban Bảo vệ trẻ em Indonesia để giáo dưỡng những trẻ bị tiêm nhiễm quan điểm cực đoan.

Ông Nahar cảnh báo sẽ có thêm nhiều người tham gia chương trình này trong thời gian tới.

[Indonesia tìm thấy truyền đơn của tổ chức IS nhắm vào trẻ em]

Theo một thăm dò do Viện Wahid phối hợp với Cơ quan Khảo sát Indonesia tiến hành đối với 1.520 người khắp cả nước hồi năm ngoái, 7,7% số người Indonesia theo đạo Hồi, tức khoảng 11,5 triệu người, có xu hướng cực đoan khi thừa nhận sẵn sàng thực hiện các hành động quá khích nếu cần thiết.

Kết quả thăm dò cũng cho thấy thanh niên dễ bị nhiễm tư tưởng cực đoan hơn các đối tượng dân cư khác.

Trước đó, ngày 26/6, một người phát ngôn của cảnh sát Indonesia thông báo lực lượng cảnh sát nước này đã tìm thấy hàng trăm cuốn sách có chứa nội dung tuyên truyền cho IS nhắm vào đối tượng trẻ em tại nhà của một nghi phạm bị bắt giữ do có liên quan tới vụ tấn công bằng dao làm một sỹ quan cảnh sát thiệt mạng trước đó một ngày. Đối tượng đã có 6 tháng sinh sống tại Syria hồi năm 2013.

Chính quyền Indonesia đang quan ngại về nguy cơ gia tăng hoạt động của các phần tử thánh chiến tại nước này, quốc gia có đông người Hồi giáo sinh sống nhất trên thế giới.

Trong vài năm gần đây, những đối tượng ủng hộ IS đã tiến hành một số các cuộc tấn công nhỏ lẻ tại Indonesia. Bên cạnh đó là mối lo ngại đối với sự trở về của hàng trăm công dân nước này đã tới Syria để tham gia hỗ trợ IS./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục