Trẻ em phạm tội gia tăng: Không nên phó mặc cho ngành giáo dục

Theo đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ), trẻ vị thành niên phạm tội với xu hướng ngày càng tăng đều ở phạm vi ngoài nhà trường, ngành giáo dục cũng đã làm hết trách nhiệm của mình.
Trẻ em phạm tội gia tăng: Không nên phó mặc cho ngành giáo dục ảnh 1Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (đoàn Phú Thọ) đang trao đổi với báo chí (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi) đang trong quá trình lấy ý kiến của Quốc hội xem xét và thông qua. Đây là một dự án luật quan trọng theo đó sẽ có tác dụng hỗ trợ và bảo vệ trẻ em tốt hơn nhất là luật đã bổ sung thêm 4 nhóm trẻ em yếu thế vào diện trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bên lề kỳ họp thứ 10, quốc hội khóa 13 diễn ra hôm nay (12/11), đại biểu Nguyễn Xuân Thủy (đoàn Phú Thọ), Ủy viên Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có một số trao đổi với VietnamPlus về dự án luật trên, cũng như những vấn đề mà dư luận đang quan tâm về các vấn đề ​vi phạm pháp luật trong giới trẻ.

- Thưa ông, ông có đánh giá thế nào về tình hình tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên ngày càng trẻ và mức độ vi phạm pháp luật cũng ngày càng nghiêm trọng?

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy: Trẻ vị thành niên phạm tội với xu hướng ngày càng tăng theo tôi ở góc độ giáo dục cho thấy, ngành giáo dục cũng đã làm hết trách nhiệm của mình, các thầy cô, chương trình học cũng đã hết sức đầy đủ, nhưng tất cả hành vi phạm tội của các em đều ở phạm vi bên ngoài trường học.

Các em đi đâu, làm gì đều nằm ngoài giờ quản lý của các thày, cô cho nên việc lứa tuổi phạm tội ngày càng trẻ hóa có thể khẳng định dưới góc độ các nhà giáo dục cũng không chối bỏ trách nhiệm của mình, nhưng phải khẳng định chất lượng giáo dục không phải là nguyên nhân chính làm các em có những hành vi vi phạm như vậy.

Theo tôi nếu chỉ phó mặc cho ngành giáo dục thì không được mà cần sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và xã hội, trong đó vai trò của gia đình là quan trọng nhất vì trẻ em sống trong gia đình nhiều hơn và chịu sự tác động của gia đình nhiều hơn, còn Nhà nước chỉ tạo điều kiện bằng hệ thống chính sách và pháp luật.

Nếu gia đình biết dạy dỗ, chăm sóc, quan tâm thì trẻ em sẽ có thể được đảm bảo quyền mà Hiến pháp và pháp luật quy định.

- Ở một khía cạnh khác, cũng còn rất nhiều trẻ em trong lứa tuổi học sinh bị bạo hành, theo ông nguyên nhân từ đâu?

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy: Vấn đề bạo hành trong trường học đã được báo chí đề cập nhiều, theo tôi có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, cả do việc phát triển của nền kinh tế cũng như mặt trái của nền kinh tế thị trường, do sự không quan tâm của gia đình, cách giáo dục... rất khó để xác định nguyên nhân nào dẫn đến điều đó.

Tuy nhiên, những hiện tượng đó chỉ là một số ít trong xã hội thôi chứ không phải phổ biến, nhưng do sự phát triển của công nghệ thông tin và sự phát triển của báo chí nên nhiều hình ảnh đã bị đưa tràn lan trên mạng. Đứng ở góc độ ngành giáo dục, những hiện tượng đó cũng có nhưng ít thôi.

- Liệu phương thức giáo dục đã sát chưa hay chúng ta còn có một lỗ hổng nào đó khiến các em ​có những hành vi vi phạm pháp luật?

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy: Trước kia chúng ta có thể nói như vậy được, vì chúng ta chủ yếu dạy lý thuyết, dạy hàn lâm còn kỹ năng thực hành vẫn chưa được chú trọng nhiều.

Nhưng từ khi Nghị quyết 29 của Ban chấp hành Trung ương về Đổi mới căn bản toàn diện giáo dục Việt Nam được ban hành thì Bộ Giáo dục và đào tạo đã có nhiều định hướng và chính sách, trong đó không chỉ chú trọng về dạy chữ mà còn quan tâm nhiều hơn đến việc dạy người.

Bên cạnh đó, ngành giáo dục cũng hạn chế những môn về mặt lý luận, lý thuyết, mà tăng các hình thức ngoại khóa, thực hành, kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ chính bản thân mình.

- Một vấn đề nữa đang được dư luận quan tâm đó là việc nhiều trẻ em khuyết tật trong các Trung tâm Bảo trợ xã hội đang phải làm nhiều công việc vượt quá khả năng, thậm chí bị lợi dụng để đi kiếm tiền cho một số người, vậy ông đánh giá thế nào về việc trên?

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy: Thực ra đấy là vấn đề của xã hội, thực tế cũng đã xảy ra, tuy nhiên ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước theo tôi cần có sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan Quốc hội, Chính phủ, tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành và giám sát để có thể phát hiện, xử lý các thông tin ở nhiều phương diện, khía cạnh xã hội.

Khi đã phát hiện ra vụ việc, hoặc có hiện tượng mà các cơ quan thông tin đại chúng nêu ra cũng cần phải xử lý kịp thời, nghiêm minh và triệt để, không cho các cơ sở khác và hành vi đó tồn tại trong tương lai.

- Trong dự án luật lần này, có nhiều điểm mới để bảo về trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, vậy theo ông các về vấn đề trên sẽ phát huy hiệu quả như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Xuân Thủy: Trong một xã hội nào cũng vậy, đối với Việt Nam, một đất nước đi lên từ nền nông nghiệp lạc hậu, kinh tế ở nhiều địa phương, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số thì quyền trẻ em ở những nơi đó đúng là vẫn chưa được bảo vệ một cách tối đa và triệt để.

Tuy nhiên, trong dự án luật lần này cũng đã đưa ra một số nội dung, đặc biệt lứa tuổi trẻ em mầm non sẽ không phân biệt giữa trẻ trong trường công lập hay tư thục mà chính sách hỗ trợ của nhà nước với trẻ em sẽ như nhau.

Còn để bảo vệ quyền trẻ em với một số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, thiệt thòi (ví dụ trẻ em bị xâm hại...) thì Nhà nước sẽ có những chính sách đặc thù, giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

- Xin cảm ơn ông./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục