Trên 121.000 hộ ở Tây Nguyên thoát nghèo nhờ vốn chính sách

Vốn tín dụng từ các Ngân hàng Chính sách Xã hội đã góp phần giúp cho 121.000 hộ gia đình của các tỉnh Tây Nguyên thoát nghèo, thu hút, tạo việc làm mới cho trên 34.000 lao động.
Trên 121.000 hộ ở Tây Nguyên thoát nghèo nhờ vốn chính sách ảnh 1(Ảnh minh họa. Minh Tuấn/TTXVN)

Theo tìn từ Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cùng với chất lượng tín dụng chính sách ngày càng được nâng cao, hoạt động tín dụng chính sách xã hội của các tỉnh Tây Nguyên cũng đã góp phần tích cực vào việc thực hiện mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Chỉ riêng từ 2013 đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã có hơn 1 triệu lượt hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ các Ngân hàng Chính sách Xã hội. Vốn tín dụng chính sách đã góp phần giúp cho 121.000 hộ gia đình của các tỉnh Tây Nguyên thoát nghèo, thu hút, tạo việc làm mới cho trên 34.000 lao động, giúp gần 55.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để học tập.

Nguồn vốn tín dụng chính sách cũng đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình đồng bào các dân tộc vùng nông thôn xây dựng gần 312.000 công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhà vệ sinh và trên 6.000 căn nhà ở cho hộ nghèo… góp phần đáng kể đưa tỷ lệ hộ nghèo vùng Tây Nguyên theo chuẩn giai đoạn 2011-2015 giảm từ gần 19% năm 2011 xuống còn hơn 11% vào năm ngoái.

Cũng theo tin từ Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách tại vùng Tây Nguyên đến cuối tháng 10 là trên 16.278 tỷ đồng, với gần 700.000 hộ đồng bào các dân tộc còn dư nợ, tăng 4.883 tỷ đồng so cùng kỳ năm 2012; tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm đạt gần 9% (trong khi tốc độ tăng trưởng chung toàn quốc là 7,76%). Trong đó, dư nợ cho vay bằng nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 15.564 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng gần 96% trên tổng dư nợ; dư nợ cho vay bằng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương đạt 714 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng hơn 4% trên tổng dư nợ.

Dư nợ tín dụng tập trung chủ yếu vào các chương trình như cho vay hộ nghèo chiếm tỷ trọng gần 31% tổng dư nợ với gần 260.000 hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ đạt hơn 19 triệu đồng/hộ. Cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh vùng khó khăn chiếm tỷ trọng trên 19% với trên 138.000 hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ đạt 22,5 triệu đồng/hộ. Học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay chiếm tỷ trọng trên 14% với gần 102.000 hộ còn dư nợ, bình quân dư nợ đạt hơn 23 triệu đồng/hộ; còn lại là cho vay hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, xuất khẩu lao động, giải quyết việc làm…

Theo ông Dương Quyết Thắng, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội, trong những năm tới, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Nguyên tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, bền vững để thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và tạo điều kiện hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách khác vươn lên thoát nghèo bền vững; phấn đấu đạt mục tiêu 100% hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác của vùng Tây Nguyên có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn các chương trình tín dụng chính sách.

Các Ngân hàng Chính sách Xã hội vùng Tây Nguyên phấn đấu mức tăng trưởng dư nợ hàng năm đạt từ 10 đến 12%, tỷ lệ nợ quá hạn ổn định ở mức 0,4%; bình quân mỗi năm giảm ít nhất 15% số lãi tồn đọng và không có tổ tiết kiệm, vay vốn yếu kém…./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục