Trên thế giới hiện có 150 triệu người bị trầm cảm

Theo thông tin WHO đưa ra tại Hội nghị Nhóm đặc trách của ASEAN về sức khỏe tâm thần, thế giới hiện có 150 triệu người bị trầm cảm.
Ngày 23/5, Hội nghị lần thứ nhất Nhóm đặc trách của ASEAN về sức khỏe tâm thần đã diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện các nước ASEAN, Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam (WHO) và các chuyên gia về tâm thần đến từ các nước ASEAN và quốc tế.

Phát biểu khai mạc, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thị Xuyên - Thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam nêu rõ hội nghị là cơ hội để các nước cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, những bài học về thực hành tốt trong hoạt động bảo vệ sức khỏe tâm thần, góp phần tăng cường sự hợp tác trong khu vực, nâng cao hiệu quả, thực hiện mục tiêu của ASEAN: "Con người khỏe mạnh, ASEAN khỏe mạnh.”

Thứ trưởng cho biết Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN năm 2010 đã thông qua Khung chiến lược ASEAN về y tế và phát triển giai đoạn 2010-2015, trong đó lĩnh vực sức khỏe tâm thần là một trong những nội dung trọng tâm của khung chiến lược.

Theo Thứ trưởng, để cải thiện sức khỏe tâm thần và phòng, chống rối loạn tâm thần chúng ta cần căn cứ vào các ưu tiên quốc gia và bối cảnh cụ thể, xây dựng các chiến lược tổng thể để tăng cường sức khỏe tâm thần, dự phòng các rối loạn, phát hiện sớm, chăm sóc, hỗ trợ, điều trị và phục hồi cho người bị rối loạn tâm thần.

Trong xây dựng chính sách và chiến lược, cần quan tâm thúc đẩy quyền còn người, chống kỳ thị, nâng cao nhận thực cho cộng đồng; tạo cơ hội việc làm và thu nhập cũng như các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người bị tâm thần; xây dựng khung giám sát; đưa ra các ưu tiên phù hợp với sức khỏe người tâm thần; phối hợp với WHO xây dựng kế hoạch hành động cụ thể về sức khỏe tâm thần.

Theo WHO, trên thế giới hiện có 150 triệu người bị trầm cảm, trên 125 triệu người bị ảnh hưởng do rượu, trên 40 triệu người bị động kinh và 24 triệu người bị mất trí nhớ... Các rối loạn này chiếm khoảng 14% gánh nặng toàn cầu, trong đó 75% gánh nặng tập trung ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Nhiều quốc gia trên thế giới đầu tư dưới 2% ngân sách cho tâm thần. Chính điều này đã dẫn khoảng trống điều trị ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Trong 3 ngày (23-25/5), trên 70 đại biểu là cán bộ chuyên trách về sức khỏe tâm thần cùng trao đổi phương thức thực hiện kế hoạch hoạt động ASEAN về sức khỏe tâm thần giai đoạn 2011-2015 với Chiến lược phát triển vận động chính sách ASEAN về sức khỏe tâm thần; Chiến lược 2 tạo thuận lợi cho lồng ghép sức khỏe tâm thần vào hệ thống chăm sóc sức khỏe và tăng cường xây dựng năng lực; Chiến lược 3: Tạo thuận lợi và tăng cường hệ thống thông tin dữ liệu sức khỏe tâm thần, quản lý kiến thức và nghiên cứu; Chiến lược 4: Thiết lập mạng lưới ASEAN về sức khỏe tâm thần.

Phó giáo sư Apichai Mongkol, Phó thư ký Thường trực Bộ Y tế công cộng Thái Lan, Chủ tịch Nhóm đặc trách của ASEAN về sức khỏe tâm thần, đánh giá cao và cám ơn Việt Nam đã có sáng kiến và chủ trì tổ chức Hội nghị lần thứ nhất Nhóm đặc trách ASEAN về sức khỏe tâm thần trước thềm Hội nghị Y tế các nước ASEAN sẽ nhóm họp vào tháng 7 sắp tới tại Thái Lan./.

Nhật Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục