Triển lãm chế biến gỗ tăng cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt

Triển lãm Quốc tế lần thứ 11 về máy và thiết bị công nghiệp chế biến gỗ - Vietnam Woodworking Industry 2015 đã diễn ra tại Trung tâm Hội Chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) - Thành phố Hồ Chí Minh.
Triển lãm chế biến gỗ tăng cơ hội cho các nhà xuất khẩu Việt ảnh 1Khách tham quan triển lãm. (Ảnh: Hoàng Hải/Vietnam+)

Ngày 14/10, lễ khai mạc Triển lãm Quốc tế lần thứ 11 về máy và thiết bị công nghiệp chế biến gỗ - Vietnam Woodworking Industry 2015 đã diễn ra tại Trung tâm Hội Chợ và Triển lãm Sài Gòn (SECC) - Thành phố Hồ Chí Minh.

​Triển lãm có quy mô 13.500m2, với 500 gian hàng của 280 đơn vị tham gia triển lãm đến từ 21 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự triển lãm, gồm Việt Nam, Pháp, Đức, Hong Kong, Mỹ, Italy, Nhật Bản, Ấn Độ, Áo, Bỉ, Đan Mạch, Indonesia, Malaysia, Ba Lan, Singapore, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Đài Loan, Thái Lan, Israel và Trung Quốc, cùng 1.200 máy móc được trưng bày.

Triển lãm được tổ chức dưới sự hợp tác của chi nhánh Công ty Cổ phần Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (VINEXAD), Công ty Triển lãm Quốc tế Chan Chao, Công ty Thương mại và Dịch vụ tiếp thị Yorkers.

Phát biểu khai mạc, bà Phan Thị Thanh Minh, Cục trưởng Cục Công tác phía Nam của Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.

Năm 2015 với nhiều sự kiện quan trọng về Hội nhập Kinh tế quốc tế: Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam-Hàn Quốc (ký ngày 5/5), Hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á-Âu (được ký kết ngày 29/5), Hiệp định Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) (được ký kết đầu tháng 10/2015), Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức có hiệu lực cuối năm 2015.

Thông qua kết quả đàm phán những hiệp định này, các doanh nghiệp Việt Nam mà đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành chế biến xuất khẩu gỗ sẽ có thêm cơ hội phát triển.

Tuy nhiên, theo bà Phan Thị Thanh Minh, đây cũng là thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp Việt Nam trước khả năng cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các doanh nghiệp nước ngoài.

Trong 9 tháng ​vừa qua, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,4 tỷ USD.

Với kết quả khả quan trên, tiềm năng phát triển của ngành chế biến gỗ còn rất lớn. Do vậy, nhu cầu giao lưu, tìm hiểu, trao đổi về công nghệ chế biến gỗ là cần thiết, góp phần thúc đẩy ngành chế biến gỗ phát triển.

Triển lãm Quốc tế lần thứ 11 về máy và thiết bị công nghiệp chế biến gỗ 2015 sẽ tiếp tục là cầu nối liên kết giữa nhà cung cấp với các công ty nhập khẩu, các nhà máy chế biến gỗ, là nơi để các doanh nghiệp quảng bá và giới thiệu các loại máy móc chế biến gỗ, và các công nghệ liên quan cũng như các sản phẩm và dịch vụ đi kèm một cách hiệu quả.

Đây là một kênh xúc tiến thương mại quan trọng giúp các doanh nghiệp trong lĩnh vực máy chế biến gỗ trong nước và nước ngoài gặp gỡ, trao đổi khoa học công nghệ, thu hút đầu tư vào thị trường Việt Nam, đồng thời tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam trong việc tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường ra các nước trong khu vực và quốc tế.

Bên cạnh triển lãm, hội thảo “ Chia sẻ kinh nghiệm quản lý trong doanh nghiệp chế biến gỗ” do Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức sẽ giúp các doanh nghiệp chia sẻ phương pháp triển khai hiệu quả các hoạt động, cải tiến liên tục, học hỏi kinh nghiệm cải tiến năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm ngành chế biến gỗ…

Triển lãm Vietnam Woodworking Industry 2015 sẽ kết thúc vào ngày 17/10.

Những năm gần đây, sản phẩm chế biến gỗ đã và đang trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ luôn duy trì tốc độ tăng trưởng cao. Năm 2014, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt hơn 4,3 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm 2013; 9 tháng vừa qua, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 3,4 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục