Triển lãm “Nghe bác kể - Chuyện cọng rau” của người nông dân

Triển lãm “Nghe bác kể - Chuyện cọng rau,” sử dụng hình thức nghệ thuật photovoice, trưng bày các tác phẩm photovoice - ảnh kể chuyện, thực hiện bởi chính các hộ nông dân.
Triển lãm “Nghe bác kể - Chuyện cọng rau” của người nông dân ảnh 1Sản xuất rau an toàn. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Để tạo ra sự thấu hiểu sâu sắc hơn của người tiêu dùng về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như những khó khăn của nông dân khi sản xuất sạch, Dự án “Ăn sạch” đã tổ chức triển lãm mang tên “Nghe bác kể-Chuyện cọng rau.”

Triển lãm “Nghe bác kể - Chuyện cọng rau,” sử dụng hình thức nghệ thuật photovoice, trưng bày các tác phẩm ảnh kể chuyện, được thực hiện bởi các hộ nông dân đang canh tác rau tại thôn Phúc Lý, Phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Điều đặc biệt là với photovoice, những bức ảnh được chụp bởi chính những người nông dân chân lấm tay bùn, những người chưa từng một lần cầm cái máy ảnh và kể lại những câu chuyện về cuộc sống của họ đặc biệt xung quanh vấn đề trồng rau.

Thông qua chiến dịch “Nghe bác kể - Chuyện cọng rau,” ban tổ chức mong muốn tạo ra được hình ảnh người nông dân chủ động, có chính kiến để nói lên mong ước của họ.

Triển lãm “Nghe bác kể - Chuyện cọng rau” của người nông dân ảnh 2Triển lãm ảnh Photovoice “Nghe bác kể - Chuyện cọng Rau" thu hút nhiều người quan tâm. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Ông Đôn Tuấn Phương, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển bền vững (CSDS) - đơn vị bảo trợ thông tin cho dự án này chia sẻ, những câu chuyện qua ảnh của chính người nông dân được xem là công cụ để người nông dân có thể lên tiếng vì chính bản thân họ và cũng là cầu nối tâm tư của họ đến với cộng đồng, với chính quyền.

Qua khảo sát thực địa, Dự án “Ăn sạch” đã nhận ra vấn đề bất cập đang tồn tại trong nhiều vùng chuyên canh rau ở Hà Nội nói chung và địa bàn hoạt động của dự án tại hợp tác xã Phúc Lý, phường Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm nói riêng.

Một trong những vấn đề khiến dự án đặc biệt chú ý là vấn đề dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật và sự thiếu minh bạch thông tin giữa người sản xuất và người tiêu dùng.

Trên cơ sở đó, ban tổ chức hy vọng trở thành cầu nối giữa người sản xuất và tiêu dùng, giúp hai bên hiểu nhau hơn; giúp người nông dân ý thức về điều họ đang làm, tạo ra động lực tự nhiên giúp họ thay đổi tư duy, hành động và tự giác sản xuất sạch.

Với hoạt động truyền thông và tập huấn kĩ thuật, “Ăn sạch” hướng tới mục tiêu thuyết phục và đồng hành cùng các hộ nông dân tại địa bàn chuyển đổi từ phương thức canh tác thông thường sang phương thức không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.

“Chúng tôi muốn mang đến cho người nông dân cái nhìn toàn diện về tác hại của thuốc bảo về thực vật, thay đổi nhận thức của bà con đồng thời chúng tôi muốn tạo điều kiện để bà con kết nối cùng với những chuyên gia và tạo ra những giá trị đích thực của nông nghiệp,” ông Phương nói.

Có mặt tại buổi triển lãm, ông Vương Duy Liền (thôn Phúc Lý, phường Minh Khai)-đại diện các hộ nông dân trồng rau sạch bày tỏ, muốn có sản phẩm sạch an toàn, trước hết người sản xuất phải trồng sạch, qua dự án này người nông dân chúng tôi nhận thấy mỗi người cần có ý thức hơn để tạo ra những sản phẩm chất lượng.

“Thông qua chương trình này, tôi mong muốn góp sức và kêu gọi cộng đồng chung tay để sản xuất những sản phẩm sạch cung ứng cho thị trường. Có như vậy thì mới có đầu ra ổn định và thu nhập cao,” ông Liền thổ lộ./.

Triển lãm ảnh Photovoice “Nghe bác kể - Chuyện Cọng Rau” được tổ chức tại khuôn viên sân Khuê Văn Các (sân giữa), Văn Miếu Quốc Tử Giám, Đống Đa, Hà Nội ngày 27/12/2015.

Dự án "Ăn sạch" được thành lập dưới sự bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển bền vững Việt Nam (CSDS). Đây là dự án phi lợi nhuận về phát triển nông nghiệp bền vững được thành lập bởi một nhóm bạn trẻ Hà Nội vào ngày 4/1/2015. Dự án hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn thực phẩm.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục