Triển vọng kinh tế Nhật với những "liều thuốc" mạnh

Sau khi trở lại nắm quyền, ngày 11/1 vừa qua, tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố một chương trình chi tiêu lớn nhằm vực dậy nền kinh tế trong nước đang tuột dốc và tăng cường vai trò quốc tế của Nhật Bản

Giới phân tích đang mổ xẻ triển vọng "liều thuốc" trị giá 226,5 tỷ USD có tác dụng như thế nào đối với nền kinh tế đang trì trệ do giảm phát triền miên và đồng nội tệ tăng giá. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã không có được mức tăng trưởng mạnh mẽ trong hơn 20 năm qua, sau khi bong bóng tài chính tan vỡ vào đầu những năm 90 của Thế kỷ trước.

Sau khi trở lại nắm quyền, ngày 11/1 vừa qua, tân Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố một chương trình chi tiêu lớn nhằm vực dậy nền kinh tế trong nước đang tuột dốc và tăng cường vai trò quốc tế của Nhật Bản

Giới phân tích đang mổ xẻ triển vọng "liều thuốc" trị giá 226,5 tỷ USD có tác dụng như thế nào đối với nền kinh tế đang trì trệ do giảm phát triền miên và đồng nội tệ tăng giá. Nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã không có được mức tăng trưởng mạnh mẽ trong hơn 20 năm qua, sau khi bong bóng tài chính tan vỡ vào đầu những năm 90 của Thế kỷ trước.

Kế hoạch vực dậy kinh tế tốn kém

Cuối tuần trước Chính phủ Nhật Bản công bố gói kích thích kinh tế trị giá 20.200 tỷ yen (khoảng 226,5 tỷ USD) nhằm đưa GDP tăng thêm 2% và tạo ra ít nhất 600.000 việc làm

Gói kích thích mới gồm các khoản đầu tư lớn vào các công trình công cộng nhằm tạo đà tăng trưởng ổn định cho nền kinh tế, thông qua khuyến khích đầu tư tư nhân, tăng cường khả năng cạnh tranh của các công ty Nhật Bản và triển khai các dự án công lớn để đẩy nhanh quá trình tái thiết sau thảm họa động đất, sóng thần tháng 3/2011.

Gói kích thích kinh tế mới gồm 10.300 tỷ yen từ quỹ Chính phủ. Để kích cầu trong nước và xây dựng thêm nhiều đường sá, cầu và đường hầm có khả năng chống động đất, Chính phủ Nhật Bản dành 3.800 tỷ yen tài trợ cho các dự án công, một trụ cột của gói kích thích kinh tế; chi 3.100 tỷ yen để xây dựng các nhà máy tiết kiệm nhiên liệu và thúc đẩy nghiên cứu tế bào gốc.

Bên cạnh đó gói kích thích kinh tế còn trích 3.100 tỷ yen để tăng cường an toàn cho các tuyến đường đến trường học và mở rộng dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại nhà để nâng cao chất lượng sống của người dân.

Bên cạnh đó, thông qua gói kích thích kinh tế mới, ông Abe sẽ tạo ra áp lực gia tăng đối với Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), buộc ngân hàng này nới lỏng tiền tệ nhiều hơn nữa như cam kết của ông khi vận động tranh cử.

Gần đây, Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi ngân hàng này áp dụng chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ. Ông Abe hy vọng động thái này sẽ ngăn chặn sự tăng giá của đồng yen, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, trên hết, Thủ tướng Abe muốn chấm dứt tình trạng giảm phát đang ngày càng trầm trọng mà Nhật Bản đang bị mắc kẹt trong gần hai thập kỷ qua, làm mất niềm tin và ảnh hưởng xấu tới đầu tư.

Ngày 15/1, Nội các của tân Thủ tướng Abe đã thông qua ngân sách bổ sung 13.100 tỷ yen (khoảng 147 tỷ USD) để tài trợ cho gói kích thích kinh tế mới, nâng chi tiêu ngân sách tài khóa 2012 (kết thúc cuối tháng 3/2013) lên khoảng 103.000 tỷ yen.

Đây là nguồn ngân sách bổ sung lớn nhất của Chính phủ Nhật Bản kể từ tài khoá 2009. Để bù đắp khoản thu ngân sách bị thiếu hụt do chi cho ngân sách bổ sung, Chính phủ của Thủ tướng Abe quyết định phát hành thêm trái phiếu xây dựng tổng trị giá 5.000 tỷ yen.

Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ đệ trình ngân sách bổ sung lên phiên họp thường kỳ của Quốc hội vào ngày 31/1 tới. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng trong bối cảnh Nhật Bản vẫn đang phải đối mặt với tình trạng giảm phát, ngân sách bổ sung có thể tạo thêm gánh nặng tài chính cho nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Theo kết quả khảo sát mới nhất của báo Yomiuri, 68% cử tri Nhật Bản hoan nghênh nỗ lực của Thủ tướng Abe trong việc chống giảm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng so với tỷ lệ 65% trong một cuộc khảo sát được tiến hành không lâu sau khi ông lên nắm quyền.

Ngoài ra, 66% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ chính sách của ông Abe, trong đó có việc tăng cường phối hợp với BoJ và chú trọng nhiều hơn vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Không ít băn khoăn

Không ít chuyên gia lo ngại rồi nền kinh tế Nhật Bản sẽ lại đòi hỏi những "liều thuốc" bổ mới.

Ông Taro Saito, nhà kinh tế kỳ cựu của Viện Nghiên cứu NLI, khẳng định rằng chắc chắn gói kích thích kinh tế này sẽ có tác động đến nền kinh tế. Song ông nhấn mạnh: "Nếu kế hoạch này không thể thúc đẩy sự phục hồi bền vững cho nền kinh tế, Nhật Bản có thể sẽ rơi vào vòng luẩn quẩn của việc ngày càng cần nhiều gói kích thích kinh tế. Nếu điều đó xảy ra, kế hoạch này của Chính phủ sẽ gây tác động tiêu cực tới nền tài chính Nhật Bản."

Gói kích thích kinh tế mới sẽ hướng vào các dự án nhằm tái thiết những khu vực bị thảm họa kép động đất, sóng thần tàn phá; xây dựng trường học, bệnh viện có khả năng chịu được động đất... Số tiền này cũng sẽ được chi dùng cho các sáng kiến nhằm cải thiện khả năng sản xuất cũng như đầu tư cho lĩnh vực an sinh xã hội và tái xây dựng các khu vực. Tuy nhiên, trong bối cảnh Nhật Bản đang mắc nợ số tiền gấp đôi giá trị nền kinh tế của nước này và đang trong giai đoạn đầu bị thâm hụt ngân sách thì các trái phiếu mới của Chính phủ trị giá 7.600 tỷ yen đã tạo thêm gánh nặng cho đất nước.

Julian Jessop, nhà kinh tế hàng đầu của Capital Economics có trụ sở tại London, cho rằng chương trình chi tiêu khẩn cấp lần thứ 14 của Chính phủ không có gì mới (được thực hiện từ năm 1999 và hiện đã sử dụng tới 75.000 tỷ yen).

Ông nói: "Nếu có gì mới thì đó là việc biện pháp này đã tạo ra nhiều nghi ngờ hơn nữa về khả năng Chính phủ Nhật Bản sẵn sàng đưa ra những quyết định cứng rắn... và biện pháp này có thể đã thực sự làm xói mòn khả năng nới lỏng tiền tệ."

Các đối thủ của ông Abe đã chớp lấy cơ hội này để chỉ trích rằng số tiền mà Chính phủ bỏ ra giống như cách đảng Dân chủ Tự do (LDP) từng làm là chi tiền cho các dự án tại địa phương để mua phiếu bầu, khiến Nhật Bản phung phí tiền xây dựng những cây cầu chẳng dẫn tới đâu và đào những đường hầm mà chẳng ai cần tới

Còn nhật báo kinh doanh Nikkei cho rằng gói kích thích kinh tế này làm dấy lên những câu hỏi về lý do căn bản khiến Chính phủ quyết định chi một khoản tiền lớn cho những khu vực nông thôn và về khả năng của Chính phủ trong việc dành ưu tiên cho các dự án trong khi phải giảm lãng phí.

Ngay lập tức Thủ tướng Abe đã lên tiếng phản bác. Ông nói: "Nhiều người nghi ngờ kế hoạch này của Chính phủ là phung phí tiền bạc vào những dự án tốn kém mà không hiệu quả, giống như LDP từng làm trước đây. Nghi ngờ này là hoàn toàn sai lầm. Quy tắc tài chính là khá quan trọng. Tuy nhiên, nếu không có một nền kinh tế mạnh, chúng ta không thể cải thiện nền tài chính."

Ông Abe hy vọng rằng những cử tri còn dao động có thể thấy những kết quả tích cực mà gói kích thích kinh tế này mang lại vào mùa Hè này - thời điểm diễn ra kỳ bầu cử Hạ viện./.

Hoàng Hà (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục