Triển vọng kinh tế u ám, thị trường năng lượng tiếp tục mất giá

Thị trường năng lượng thế giới tiếp tục mất giá do tình trạng “cung vượt quá cầu” và lo ngại về triển vọng u ám của nền kinh tế toàn cầu ngày một gia tăng.
 
Triển vọng kinh tế u ám, thị trường năng lượng tiếp tục mất giá ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)

Mặc dù phục hồi vào phiên cuối tuần sau chuỗi ngày đi xuống liên tiếp, song thị trường năng lượng vẫn không tránh khỏi tuần mất giá, do tình trạng “cung vượt quá cầu” vẫn tiếp diễn, trong khi những lo ngại về triển vọng u ám của nền kinh tế toàn cầu ngày một gia tăng.

Thị trường năng lượng khởi động tuần (ngày 6/10) trong không khí khá tích cực, khi giá dầu ngọt nhẹ và dầu Brent đồng loạt thoát khỏi các mức thấp nhất trong nhiều tháng qua để đi lên nhờ sự suy yếu của đồng USD.

Tuy nhiên, “vàng đen” lại quay đầu giảm giá trong ba phiên giao dịch liên tiếp sau đó, do Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu và cảnh báo xu hướng đình trệ tại các nền kinh tế phát triển.

Cụ thể, thể chế tài chính này cho rằng kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng 3,3% năm 2014 và 3,8% năm 2015, thấp hơn so với các mức dự báo tương ứng 3,4% và 4% đưa ra hồi tháng Bảy.

Đáng chú ý là trong phiên giao dịch ngày 8/10, giá dầu tại thị trường New York đã rơi xuống mức thấp nhất trong 18 tháng, sau khi Bộ Năng lượng Mỹ công bố báo cáo cho hay dự trữ dầu thô tại nước này đã tăng khoảng 5 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 3/10, cao hơn rất nhiều so với dự báo tăng 1,9 triệu thùng của các chuyên gia phân tích tham gia cuộc thăm dò của Dow Jones Newswires.

Thậm chí, giá hai loại dầu chủ chốt này còn tiếp tục “tụt” xuống các mức thấp nhất hai năm trong phiên giao dịch ngày 9/10, giữa bối cảnh bức tranh kinh tế ảm đạm của Eurozone làm gia tăng lo ngại của giới đầu tư về tốc độ tăng trưởng chậm lại của kinh tế toàn cầu, kéo theo sự sụt giảm nhu cầu dầu mỏ.

Cũng trong báo cáo mới nhất, IMF đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế Eurozone trong năm nay từ mức 1,1% xuống 0,8%, đồng thời lưu ý rằng khu vực đồng tiền chung gồm 18 nước thành viên này sẽ tiếp tục phải đối mặt với tình trạng kinh tế trì trệ và lạm phát thấp ở mức đáng báo động trong một thời gian dài nữa.

Bức tranh kinh tế châu Âu còn trở nên ảm đạm hơn khi xuất hiện thêm một loạt các số liệu đáng thất vọng từ Đức và Pháp, hai nền kinh tế lớn nhất khu vực này.

Tới phiên giao dịch cuối tuần ngày 10/10, giá dầu bật tăng trở lại sau chuỗi ngày rớt giá thê thảm, một phần nhờ hoạt động săn lùng hàng hóa giá hời của giới đầu tư diễn ra sôi động.

Trước đó, giá dầu ngọt nhẹ có lúc đã giảm xuống mức 83,59 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 3/7/2012, còn giá dầu Brent cũng lùi về mức 88,11 USD/thùng, thấp nhất kể từ ngày 1/12/2010.

Kết thúc phiên giao dịch 10/10, tại thị trường Mỹ, giá dầu ngọt nhẹ giao tháng 11/2014 tăng 5 xu, lên 85,52 USD/thùng. Trong khi đó, tại thị trường London, giá dầu Brent Biển Bắc giao cùng kỳ hạn cũng tiến 16 xu, đóng cửa ở mức 90,2 USD/thùng.

Song nhìn chung cả tuần qua, giá dầu vẫn sụt giảm so với tuần giao dịch trước đó, với các mức đóng cửa của dầu ngọt nhẹ và dầu Brent là 89,67 USD/thùng và 91,88 USD/thùng. Hiện giá của mặt hàng chiến lược này đã mất 1/5 giá trị so với thời điểm “đỉnh cao” của năm nay vào hồi tháng Sáu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục