Triều Tiên có nguy cơ mất bạn quý sau cái chết của ông Kim Jong-nam

“Người Triều Tiên có thể tự do hoạt động ở Malaysia,” Lee Jaehyon, một nhà phân tích cộng tác với Viện nghiên cứu chính sách Asan cho biết. Nhưng điều đó còn duy trì bao lâu nữa?
Triều Tiên có nguy cơ mất bạn quý sau cái chết của ông Kim Jong-nam ảnh 1Hình ảnh hai nữ nghi phạm tấn công ông Kim Jong-nam tại sân bay. (Nguồn: nbcnews.com)

Triều Tiên không có nhiều quốc gia bè bạn. Trong số này có thể kể tới Trung Quốc, đồng minh gần gũi nhất, và Singapore, nơi từ lâu giới tinh hoa Triều Tiên đã tới để tìm kiếm cơ hội đầu tư và làm ăn. Ngoài ra có thể kể tới Nga, Syria, Cuba. 

Cho tới gần đây, Malaysia có thể là một cái tên trong danh sách này. Mặc dù Malaysia không phải là một trong các đối tác ngoại giao then chốt của Bình Nhưỡng, đây vẫn là một trong số ít những nơi trên thế giới​ người Triều Tiên có thể tới mà không cần thị thực.

Do đó, trong nhiều năm, Malaysia đã là một điểm đến thầm lặng cho những người Triều Tiên đang tìm kiếm việc làm, giáo dục và các thỏa thuận kinh doanh.

Hiện tại, có thể bắt gặp những người Triều Tiên đang học tập tại các trường đại học ở Malaysia, làm việc tại các khu mỏ của Malaysia và quản lý hệ thống máy tính cho các công ty Malaysia.

“Người Triều Tiên có thể tự do hoạt động ở Malaysia,” Lee Jaehyon, một nhà phân tích cộng tác với Viện nghiên cứu chính sách Asan có trụ sở ở Seoul cho biết. Nhưng điều đó còn duy trì được bao lâu nữa?

Tuần trước, Kim Jong-nam, người anh cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, dường như đã bị hai phụ nữ tấn công tại Sân bay Kuala Lumpur 2 và thiệt mạng sau đó không lâu.  

Một cuộc tranh cãi về ngoại giao đã nổ ra khi các quan chức Malaysia ra lệnh khám nghiệm tử thi, bất chấp yêu cầu từ phía Triều Tiên, đòi chuyển xác của ông Kim Jong-nam cho họ ngay lập tức. 

Cảnh sát Malaysia cũng đã bắt giữ một người Triều Tiên có liên quan tới vụ tấn công và còn công bố tên của 4 người Triều Tiên khác mà nước này muốn chất vấn. Tuy nhiên cả 4 đã rời khỏi Malaysia sau vụ tấn công.

“Malaysia hết sức bối rối,” ông Lee nói. “Vụ việc này đã gây ra thiệt hại đáng kể đối với Malaysia, tác động tới hình ảnh​ an toàn và ổn định chính trị của nước này.”

Ông cho biết, các quan chức Malaysia đang nỗ lực nhằm chấm dứt vụ việc này càng nhanh càng tốt, trong mối lo ngại đối với ngành du lịch và khả năng thu hút đầu tư nước ngoài của nước này.

Trong khi phía Malaysia khẳng định họ đang tuân thủ theo quy trình điều tra thông thường, Đại sứ Triều Tiên ở Malaysia, ông Kang Chol, đã phản ứng một cách giận dữ. 

Trả lời các phóng viên vào thứ Hai vừa qua, ông cho rằng 2 nữ nghi phạm đã bị bắt có thể “bịa đặt để che dấu nguyên nhân thực sự của cái chết.”

Theo ông, lần khám nghiệm tử thi thứ hai là “một nỗ lực nhằm gây tổn hại tới thi thể" của ông Jong-nam và có thể bị coi là lạm dụng nhân quyền. Ôn gcungx nói rằng toàn bộ cuộc điều tra đã bị “Malaysia chính trị hóa khi cấu kết” với Hàn Quốc.

Sau đó, Malaysia đã phản ứng một cách giận dữ và bác bỏ cáo buộc của Triều Tiên. Thủ tướng Malaysia Najib Razak cũng phải khẳng định rằng cuộc điều tra đã diễn ra đúng quy trình. "Malaysia không có lý do để mong muốn làm điều gì đó bôi nhọ Triều Tiên”, ông trả lời các phóng viên và nói thêm rằng Malaysia đang xử lý sự kiện theo luật.

Các chuyên gia hiện vẫn chưa thể dự đoán sự cố sẽ mang tới tác động nào cho quan hệ song phương. Trong ngắn hạn, rõ ràng sẽ có nhiều sóng gió. Malaysia đã triệu hồi đại sứ ở Bình Nhưỡng “để tham vấn” và triệu đại sứ Triều Tiên để yêu cầu ông giải thích về các nhận xét liên quan tới cuộc điều tra.

Nhưng sẽ rất khó đoán các ý định của Triều Tiên nếu chỉ nhìn vào những tuyên bố chính thức rất dữ dội mà nước này đã phát ra. “Người Triều Tiên có truyền thống mạnh miệng trong ngoại giao,” Er-win Tan, một học giả thuộc Đại học Malaya, người từng nghiên cứu về Triều Tiên cho biết. “Họ có trạng thái tâm lý của một nước bị vây hãm và điều đã ăn rất sâu vào tiềm thức. Do đó đó tôi sẽ không phân tích quá sâu những gì Triều Tiên nói.”

Mặc dù Triều Tiên và Malaysia không phải là đồng minh thân cận nhưng trước vụ này, quan hệ đôi bên tương đối tốt, được thúc đẩy chủ yếu bởi các cân nhắc về kinh tế và thương mại.

Nhiều nhà quan sát đã lưu ý rằng Triều Tiên không có nhiều không gian - dù về ngoại giao hay về kinh tế - để xua đuổi những quốc gia bè bạn của họ, vốn đã hạn chế về số lượng.

Mặc dù tổng giá trị thương mại giữa Triều Tiên và Malaysia chỉ ở mức 5,1 triệu USD vào năm 2015, đây vẫn là một con số đáng kể đối với một quốc gia chỉ xuất khẩu 3,1 tỷ USD giá trị hàng hóa vào năm 2014 và nhập khẩu 3,9 tỷ USD./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục