Trình diễn 6 điệu xòe cổ tại thị xã Nghĩa Lộ ở Yên Bái

Ngày 14/2 (tức 15 tháng Giêng) tại thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái sẽ tổ chức trình diễn 6 điệu xòe cổ, với trên 1.000 diễn viên, nghệ nhân tham gia.

Ngày 14/2 (tức ngày 15 tháng Giêng Âm lịch) ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái sẽ tổ chức trình diễn 6 điệu xòe cổ với sự tham gia của trên 1.000 diễn viên, nghệ nhân; đồng thời tổ chức lễ hội Hạn Khuốn tại xã Nghĩa An vào tối cùng ngày.

Sáu điệu xòe cổ bao gồm các điệu xòe vòng (xé vóng), điệu vòng tròn vỗ tay (ỏm lọm tốp mứ), điệu tung khăn (nhôm khăn), điệu bổ bốn (phá xí), điệu tiến lùi (đổn hôn), điệu nâng khăn mời rượu (khắm khăn mơi lảu) do Nghệ nhân Lò Văn Biến sưu tầm, dạy lại cho các thế hệ người Thái khu vực Mường Lò và được trình diễn trong màn Đại xòe cổ kỷ lục Guiness Việt Nam được công bố vào cuối năm 2013.

Hạn Khuốn là một lễ hội của người đồng bào dân tộc Thái (Tây Bắc) - một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống, bao gồm nhiều thể loại (hát, kể chuyện) trong khung cảnh ấm cúng và tao nhã.

Sàn Hạn Khuốn được làm bằng tre nứa trên khoảng đất rộng ở bản, thanh niên nam nữ dựng sàn cao khoảng 1,2-1,5m, có hàng rào bao quanh bằng phên mắt cáo, chỉ có một cửa ra vào. Cuộc vui mở vào ban đêm bên đống lửa hồng. Thanh niên, nam nữ đến hát hò, làm quen, vui chơi, thi tài đối đáp đến sáng mới chia tay. Đêm hôm sau họ lại tiếp tục ca hát, vui đùa, trò chuyện.

Cùng với múa xòe, hát khắp..., sinh hoạt Hạn Khuốn được người Thái Mường Lò lưu truyền qua bao thế hệ, đem lại một giá trị tinh thần to lớn cho đời sống, tình cảm của mỗi người. Đây là hoạt động văn hoá cổ truyền, tinh hoa, độc đáo và là nét đẹp văn hoá mang bản sắc của đồng bào dân tộc Thái Mường Tây Bắc.

Theo bà Hoàng Thị Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thị xã Nghĩa Lộ, việc tổ chức các hoạt động này chính là thực hiện mục tiêu của Đề án xây dựng Thị xã Văn hóa-Du lịch với các chỉ tiêu cụ thể trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, du lịch và xã hội khác.

Đề án thực hiện trong hai giai đoạn 2013-2015 và 2016-2020. Trong đó, quan tâm xây dựng con người văn hóa, môi trường văn hóa, thiết chế văn hóa, thể thao đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là đẩy mạnh phát triển du lịch theo hướng tìm hiểu bản sắc văn hóa đặc thù của quê hương Mường Lò với hình thức du lịch cộng đồng.../.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục