Trò chuyện với trẻ về "vùng kín" để phòng tránh xâm hại tình dục

Được kỳ vọng là một công cụ thiết thực ngăn ngừa lạm dụng tình dục trẻ em, cuốn sổ tay "Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể tôi!" đã lần đầu tiên được xuất bản bằng tiếng Việt.
Trò chuyện với trẻ về "vùng kín" để phòng tránh xâm hại tình dục ảnh 1Cuốn cẩm nang 'Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể tôi!' bằng tiếng Việt.

Thời gian gần đây, các vụ xâm hại trẻ em, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em, liên tiếp xảy ra khiến các bậc phụ huynh không khỏi lo lắng, hoang mang. Bên cạnh việc cả cộng đồng chung tay thực hiện trách nhiệm bảo vệ trẻ em, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi của những tên "yêu râu xanh," có những điều rất đơn giản mà cha mẹ có thể làm để trang bị cho con em mình những kỹ năng tự phòng tránh xâm hại tình dục.

Hãy bắt đầu bằng việc trò chuyện với trẻ về cơ thể, về các vùng kín trên cơ thể và những gì mà chúng có thể làm hoặc không được làm với cơ thể của người khác. Đó là những điều mà cuốn cẩm nang "Hãy tôn trọng! Đây là cơ thể tôi!," (Respect! My body!) do Tổ chức Cứu trợ Trẻ em xuất bản, muốn hướng đến.

Được kỳ vọng là một công cụ thiết thực ngăn ngừa lạm dụng tình dục trẻ em, cuốn sổ tay này đã được xuất bản bằng tiếng Thụy Điển, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Arab... và đây là lần đầu tiên, cuốn cẩm nang được phát hành bằng tiếng Việt. Buổi ra mắt cuốn sách được Đại sứ quán Thụy Điển, Văn phòng đại diện tại Việt Nam của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em và Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội, trực thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đồng tổ chức vào ngày 23/5.

Khi nào nên bắt đầu trò chuyện với trẻ?

Nhiều bậc cha mẹ thường nghĩ trẻ còn quá nhỏ để có thể hiểu những vấn đề về cơ thể và chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân nên trò chuyện với trẻ là việc làm mất thời gian vô ích. Nhưng không phải vậy. Lời khuyên của các chuyên gia Tổ chức Cứu trợ Trẻ em là dù con bạn còn nhỏ hay đã đến tuổi vị thành niên, bạn đều cần phải nói chuyện với con về những vấn đề này.

Trái với những gì chúng ta thường nghĩ, "việc trao đổi này không phải là những cuộc đối thoại quá nghiêm túc kéo dài hàng tiếng đồng hồ vào một khoảng thời gian cố định. Thay vào đó, chúng ta thể hiện thái độ quan tâm đến trẻ từ những điều nhỏ bé trong cuộc sống hàng ngày và lặp đi lặp lại suốt thời thơ ấu của trẻ," các chuyên gia khuyên.

Ví dụ, người lớn nên nhắc nhở trẻ tránh sờ vào các vùng nhạy cảm trên cơ thể. Các bậc cha mẹ hay những người chăm sóc trẻ cần lưu ý trẻ rằng có một số vùng nhất định trên cơ thể vô cùng nhạy cảm và cần được tôn trọng và bảo vệ.

Cuốn cẩm nang đưa ra những tình huống rất cụ thể. Chẳng hạn, khi tắm cho trẻ, thay bỉm, thoa kem dưỡng da hay cho trẻ ăn, chúng ta có thể đưa ra những dấu hiệu khẳng định rằng cơ thể này của riêng trẻ, chúng có giá trị riêng. Cần để trẻ học cách tự vệ sinh những bộ phận nhạy cảm trên cơ thể càng sớm càng tốt (kể cả khi trẻ mới 1 tuổi). Đầu tiên, người lớn có thể hướng dẫn cách vệ sinh bộ phận sinh dục và hậu môn khi tắm cho trẻ, rồi sau đó để trẻ thử tự làm. Một cách khác là cho trẻ cùng thay tã/bỉm, và dạy trẻ cách tự làm sạch sau khi đi vệ sinh càng sớm càng tốt.

Miệng cũng là một bộ phận riêng tư. Hãy khuyến khích trẻ tự ăn ngay từ khi còn nhỏ (kể cả khi việc đó sẽ khiến mọi thứ bừa lãi, lộn xộn lên) và đừng đút/ bón thức ăn rồi ép trẻ nuốt. Trẻ nhỏ phụ thuộc vào sự giúp đỡ của người lớn và không phải lúc nào cũng được tự quyết định, vì thế, việc chúng ta dành thời gian giải thích những điều chúng ta làm với cơ thể của trẻ rất quan trọng, chẳng hạn như việc thay tã, và lý do vì sao đôi khi chúng ta phải làm những việc trẻ không thích hoặc không muốn làm.

Các chuyên gia cũng thừa nhận rằng những cố gắng bên bàn ăn hoặc trong phòng tắm có thể rất khó khăn và mất thời gian nhưng về lâu dài, chúng có thể đem đến những thay đổi đáng kể. Bằng việc cho phép trẻ tham gia hoạt động ngay từ khi còn nhỏ, chúng ta khẳng định với trẻ về sự toàn vẹn của cơ thể và ý thức về giá trị bản thân.

Đừng bắt trẻ phải "thơm" người khác

Một tình huống rất hay xảy ra là người lớn thường ép trẻ ôm, hôn hoặc ngồi vào lòng ai đó. Chúng ta cần làm gì khi người thân, bạn bè hoặc người lạ muốn âu yếm và "thơm" trẻ? Liệu chúng ta có vì phép lịch sự và khuyến khích những việc đó mà không quan tâm đến cảm nhận của trẻ?

Các chuyên gia khuyên rằng với vai trò là cha mẹ hoặc người chăm nom trẻ, người lớn nên lưu ý đến những đụng chạm cơ thể giữa trẻ với người khác. Thay vì yêu cầu trẻ "ra ngồi vào lòng bà," hãy hỏi trẻ rằng: Con có muốn ngồi vào lòng bà không? Điều này giúp trẻ hiểu rằng trẻ không cần phải gần gũi với ai nếu như trẻ không thích điều đó.

Khi trẻ được 4 đến 5 tuổi, chúng ta có thể dạy trẻ rằng có thể có những người xấu ở ngoài kia và họ muốn làm những "điều không đúng." Những điều trong cuốn cẩm nang khuyên rằng hãy cố gắng tìm cách nói với trẻ về việc này mà không làm trẻ sợ. Bạn có thể giảng giải rằng nếu một người nào đó làm, hoặc muốn làm điều gì đó với cơ thể của trẻ mà trẻ không muốn, trẻ có thể nói không và trẻ nên nói với người lớn chuyện đã xảy ra.

Trên thực tế, trẻ em thường là nạn nhân của những kẻ là người quen, hoặc thậm chí là người mà trẻ quý mến. Vì vậy, cần dạy trẻ rằng việc nói “không” là điều hết sức bình thường, kể cả với những người trẻ yêu quý, tương tự như khi anh chị em ruột muốn chơi một trò chơi mà trẻ không muốn, các chuyên gia nhắn nhủ.

Trong thời kỳ thanh thiếu niên, trẻ bắt đầu hình thành sự hiểu biết về bản dạng giới và xu hướng tình dục của mình, dù người lớn có muốn hay không. Cố gắng bảo vệ trẻ, tách trẻ khỏi những vấn đề này là vô ích. Thay vào đó, cha mẹ và những người lớn khác có thể giúp trẻ vị thành niên tiếp cận vấn đề tình dục một cách lành mạnh và tự nhiên nhất.

Các chuyên gia khuyên rằng bạn sẽ tạo được một nền tảng tốt cho con nếu trò chuyện với con về cơ thể, tình dục và những giới hạn khi tiếp xúc cơ thể trước khi trẻ bước vào tuổi vị thành niên. Chủ đề này sẽ không quá khó nếu được đề cập từ những giai đoạn đầu đời của trẻ. Trẻ càng lớn thì khả năng tác động đến trẻ sẽ càng giảm.

Người lớn nên giải thích cho trẻ thấy sự thân mật về thể xác và tình dục là điều tốt và thú vị nhưng điều đó cũng có những rắc rối, phức tạp và đôi khi là phạm pháp. Một cách tốt để tiếp cận giới trẻ về chủ đề này là tham khảo những bài viết trên báo chí: Bố/mẹ đọc được bài viết này và tự hỏi không biết con nghĩ gì về nó nhỉ? Nói với trẻ suy nghĩ và quan điểm của bạn. Để có thể tiếp cận trẻ về chủ đề này, bạn cần duy trì việc trao đổi thường xuyên với trẻ về tất cả mọi điều trong cuộc sống. Nhờ tìm hiểu sở thích của trẻ và làm mọi việc cùng con, bạn sẽ có thêm nhiều cơ hội để chia sẻ với con và những cuộc nói chuyện sẽ trở nên ngày một tự nhiên.

Phải làm gì khi trẻ có thể đã bị xâm hại?

Các bậc cha mẹ thường lo lắng hoặc phản ứng thái quá khi nghi ngờ có chuyện gì đó đã xảy ra với con mình. Nếu chúng ta phản ứng theo cách này, trẻ có thể cảm thấy vấn đề đó không nên nói ra. Khi đó trẻ sẽ không chia sẻ với ai mà giữ bí mật cho riêng mình.

Một sai lầm khác là chúng ta thường vào vai "cảnh sát”. Chúng ta thẩm vấn đứa trẻ hoặc người khác, chúng ta đặt ra những câu hỏi có tính dẫn dắt. Chúng ta đọc tin nhắn, nhật ký của trẻ và lục lọi máy tính của con cái. Khi hành động theo cách này, chúng ta báo hiệu cho trẻ biết rằng có điều gì đó thực sự tồi tệ đã xảy ra và điều này khiến trẻ sợ hãi đến mức không muốn nói thêm điều gì.

Các chuyên gia khuyên rằng nếu chúng ta cảm thấy lo lắng về một điều gì đó đã xảy ra, trước tiên hãy tự làm rõ điều đang khiến chúng ta lo lắng. Khi đã nắm rõ, ta có thể dùng chúng để trò chuyện với các con mà không cần “hỏi cung” trẻ.

Chúng ta có thể tránh được việc ám chỉ hành vi xâm hại hoặc tấn công tình dục. Ví dụ hãy giải thích: “Mẹ thực sự lo lắng và mẹ muốn con hiểu rằng nếu có điều gì đó khiến con buồn hay cảm thấy không thoải mái, con có thể nói với mẹ bất cứ khi nào. Con cũng có thể nói với người khác nếu con muốn.” Những người lớn khác có thể là người mà trẻ tin tưởng như ông bà, thầy cô giáo hoặc người làm công tác xã hội. Hãy cho trẻ biết nếu lời nói hoặc hành động của ai đó khiến trẻ tổn thương, dù là về thể chất hay tinh thần, trẻ có thể nói với người lớn để được giúp đỡ. Hãy giúp trẻ hiểu rằng trẻ không có lỗi và không bao giờ phải chịu trách nhiệm về điều đó.

Các chuyên gia khuyên rằng: nếu bạn lo ngại có điều gì đó không hay đã và đang xảy ra với trẻ, hãy thận trọng với cách bạn phản ứng. Đừng che đậy, cũng đừng sắm vai “cảnh sát"!

Độc giả có thể xem toàn bộ nội dung cuốn cẩm nang hữu ích này tại đây.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục