​Trưng bày cổ vật nghìn năm bị chìm dưới đáy biển của Ai Cập

Những món cổ vật từ thành phố được mệnh danh “Atlantis của Ai Cập” sẽ được đưa ra trưng bày lần đầu tiên tại Bảo tàng Anh sau hơn 1.000 năm bị chìm xuống dưới nước cùng thành phố vào năm sau.
​Trưng bày cổ vật nghìn năm bị chìm dưới đáy biển của Ai Cập ảnh 1Tấm bia đá khắc chữ tượng hình cao 1,9m được tìm thấy tại tàn tích dưới biển. (Nguồn: dailymail)

Những món cổ vật từ thành phố được mệnh danh “Atlantis của Ai Cập” sẽ được đưa ra trưng bày lần đầu tiên sau hơn 1.000 năm bị chìm xuống dưới nước cùng thành phố.

Số cổ vật bao gồm những bức tượng khổng lồ, trang sức vàng và bia chữ tượng hình từng một thời bị cho là đã mất tích mãi mãi vừa được vớt lên từ dưới biển và sẽ được đưa tra trong cuộc triển lãm lớn tổ chức tại Bảo tàng Anh vào năm sau.

Những bảo vật nói trên thuộc về Heracleion và Canopus, hai thành phố được xây dựng trên nền đất yếu ở đồng bằng sông Nile, hiện đang chìm sâu dưới 3m trầm tích.

Các tư liệu cổ đại có ghi chép về sự tồn tại của hai thành phố này, theo đó chúng từng là cửa ngõ vào Ai Cập trước khi thành phố Alexandria được xây dựng và phát triển. Các thợ lặn ở cửa sông Nile đã khám phá ra kho báu của hai thành phố, và đã dành gần 2 thập kỷ không ngừng đào bới để mang chúng lên từ đáy biển.

Đáng chú ý trong số cổ vật có thể kể đến một tấm bia đá cao 1,9m khắc tuyên bố hoàng gia bằng chữ tượng hình của Pharaoh Nectanebo I, và một bức tượng cao 5,4m tạc hình Hapy - nữ thần của những trận lũ trên sông Nile của người Ai Cập.

Cuộc triển lãm có tên “Những thành phố bị chìm: Thế giới đã mất của Ai Cập” sẽ kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11/2016.

Các cổ vật thuộc sở hữu của Bảo tàng Anh, cùng những cổ vật được chính phủ Ai Cập cho mượn sẽ được mang ra trưng bày tại cuộc triển lãm này. Tổng cộng sẽ có khoảng 300 cổ vật được ra mắt công chúng, đa phần trong số đó được vớt lên từ khu tàn tích chìm dưới biển.

Triển lãm sẽ tập trung vào quá trình pha trộn văn hóa của các thành phố thuộc châu thổ sông Nile, đặc biệt là sự tương tác giữa Ai Cập và Hy Lạp cổ đại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục