Trưng bày nhiều cổ vật Chàm tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế

Triển lãm cổ vật Chàm trưng bày gần 30 hiện vật tiêu biểu, đặc sắc, trong số 86 hiện vật của bộ sưu tập điêu khắc Chămpa hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế.
Trưng bày nhiều cổ vật Chàm tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế ảnh 1Du khách tham quan triển lãm. (Ảnh: Quốc Việt/TTXVN)

Ngày 23/11, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tổ chức Triển lãm cổ vật Chàm (Chămpa) tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế nhân Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam.

Triển lãm đã thu hút đông đảo công chúng và khách du lịch đến tham quan, chiêm ngưỡng.

Triển lãm trưng bày gần 30 hiện vật tiêu biểu, đặc sắc, trong số 86 hiện vật của bộ sưu tập điêu khắc Chămpa hiện đang lưu giữ tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế. Sau lần này, những hiện vật còn lại sẽ lần lượt được giới thiệu rộng rãi đến công chúng và các nhà nghiên cứu trong giai đoạn tiếp theo.

Công chúng và khách du lịch rất thích thú với các cổ vật: thần sấm, thế kỷ VII-VIII; sư tử (nhân sư), thế kỷ XI-XII và đầu tượng thần, thế kỷ IX-X (2 cổ vật này đều xuất xứ từ Trà Kiệu, Quảng Nam); trụ cửa chính (phần đứng), thế kỷ X-XI (xuất xứ từ huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế)...

Tiến sỹ Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết Vua Khải Định cho thành lập Kho Chàm (tức Khu cổ vật Chămpa) tại Musée Khai Dinh để trưng bày các cổ vật do Viện Viễn Đông Bác cổ sưu tầm vào tháng 12/1927, hoạt động trưng bày cho đến năm 1945 thì bị đóng cửa.

Hiện, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang quản lý các cổ vật Chămpa (hay còn gọi là Kho Chàm) tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế, số 3 Lê Trực, thành phố Huế. Tại đây, còn lưu giữ 86 cổ vật Chămpa rất quý hiếm gắn liền sự hình thành Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế dưới thời vua Khải Định.

Phần lớn trong số này là tượng, đều là hiện vật gốc giá trị mỹ thuật rất cao, nhiều tượng có niên đại sớm, từ thế kỷ thứ 8, một số tượng tương đương phong cách Mỹ Sơn E1...

Theo nhà nghiên cứu văn hóa Huế Trần Kỳ Phương, những cổ vật Chămpa trên được sưu tầm tại vùng châu Ô, châu Lý ngày xưa và một ít được mang ra từ Trà Kiệu trong những cuộc khai quật khảo cổ học dưới triều Nguyễn... Những cổ vật này từng được các nhà nghiên cứu văn hóa trong nước đánh giá là những di sản văn hóa quý hiếm của vùng Viễn Đông và của thế giới.

Ngoài ra, nhiều tổ chức, nhà sưu tập tại Huế cũng đang sở hữu nhiều hiện vật thời kỳ Sa Huỳnh và Chămpa trước thế kỷ 14 vừa phát lộ trên đất hoặc người dân trục vớt được từ đáy các dòng sông quanh Huế trong thời gian qua. Đây là những bằng chứng phản ánh cuộc sống văn minh-văn hóa, trình độ sản xuất... của dân cư bản địa trên mảnh đất Thừa Thiên-Huế xưa.

Sự mở cửa trở lại Khu cổ vật Chămpa lần này mang đến những điều rất thú vị và giá trị về loại cổ vật này trên đất Huế cho du khách thưởng thức, chiêm ngưỡng.

Triển lãm mở cửa từ 7-17 giờ hàng ngày tại Bảo tàng cổ vật Cung đình Huế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục