Trung Quốc khó giúp EU giải quyết khủng hoảng nợ

Các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc đổ nhiều tiền vào châu Âu không phải là cách để giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ.
Các chuyên gia cho rằng việc Trung Quốc cam kết mua thêm trái phiếu Chính phủ của Tây Ban Nha phản ánh những lợi ích mang tính chiến lược và kinh tế của Bắc Kinh, song việc nước này đổ nhiều tiền vào châu Âu không phải là phương thuốc chữa bách bệnh trong dài hạn.

Trong khuôn khổ chuyến thăm ba ngày tới Tây Ban Nha, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường khẳng định Trung Quốc, với tư cách là nhà đầu tư dài hạn và có trách nhiệm trên thị trường trái phiếu Chính phủ của Tây Ban Nha, đã không giảm bớt mà thậm chí còn gia tăng lượng trái phiếu của nền kinh tế lớn thứ 5 của Liên minh châu Âu (EU), giữa những lo ngại rằng Tây Ban Nha có thể sẽ cần tới một gói cứu trợ quốc tế theo kiểu Ireland hay Hy Lạp.

Ông cam kết Trung Quốc sẽ còn mua nhiều thêm nữa, tùy thuộc vào các điều kiện trên thị trường.

Các chuyên gia cho rằng lời hứa này của ông Lý Khắc Cường cho thấy lợi ích trong đầu tư của Trung Quốc, nước vốn đang nắm giữ một lượng đáng kể các tài sản bằng đồng euro, nhưng nó sẽ không thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nợ dai dẳng hiện nay.

Alistair Thornton, nhà kinh tế thuộc tập đoàn IHS Global Insight cho rằng cam kết của ông Lý Khắc Cường phần nào đó sẽ mang lại lòng tin trên các thị trường châu Âu nhưng sẽ không thể mang lại nhiều thay đổi trong "kịch bản" nền kinh tế Tây Ban Nha.

Về phần mình, Mark Williams, chuyên gia kinh tế cao cấp thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics, có trụ sở tại London, cũng nhận định những khó khăn của châu Âu về bản chất mang tính cơ cấu và không phải là vấn đề mà Trung Quốc có thể giải quyết.

Trong khi đó, Tao Dong, nhà kinh tế thuộc tập đoàn Credit Suisse, cho rằng việc bình ổn nền kinh tế EU - điểm đến hàng đầu của hàng xuất khẩu Trung Quốc- nằm trong lợi ích của đất nước Đông Á này, trong bối cảnh Bắc Kinh vẫn phải phụ thuộc rất lớn vào khu vực xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Còn Ken Peng, chuyên gia kinh tế tại Bắc Kinh của tập đoàn Citigroup, nhận định việc đầu tư vào Tây Ban Nha vẫn mang lại lợi ích cho Bắc Kinh, bởi trái phiếu chính phủ của Tây Ban Nha hiện có lãi suất là 12%, cho nên đây có thể không phải là khoản đầu tư tồi.

Đau đầu với các khoản nợ lớn và thâm hụt ngân sách khổng lồ, các nước như Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp buộc phải tăng lãi suất trái phiểu để hấp dẫn các nhà đầu tư.

Bắc Kinh có lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới, ở mức 2.648 tỷ USD, trong đó một lượng lớn, gần 907 tỷ USD, được đổ vào các công cụ nợ của Mỹ, nhưng các tài sản bằng đồng euro cũng đang chiếm một tỷ trọng ngày càng tăng.

Khó có thể có con số chính xác về quy mô các tài sản bằng đồng euro mà Trung Quốc đang nắm giữ, nhưng các nhà phân tích ước tính trong số này, lượng trái phiếu của các nước bị nợ lớn, như Hy Lạp hay Ireland, là khá ít, mà chủ yếu là trái phiếu của các nước lớn, như Đức và Pháp./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục